Lòng nhân ái giữa núi rừng

Giữa chập chùng rừng núi tách biệt với thế giới bên ngoài, 7 nữ tu sĩ làm điều dưỡng viên ở Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) làm việc không lương, không thù lao, phụ cấp.
Nữ tu Xoài chăm sóc người bệnh tại Khoa Săn sóc đặc biệt
Nữ tu Xoài chăm sóc người bệnh tại Khoa Săn sóc đặc biệt
Họ ngày đêm thầm lặng hy sinh tuổi xuân để chăm sóc những người có H (HIV) giai đoạn cuối. Với họ, bệnh viện là gia đình, bệnh nhân là người thân, lý tưởng là dâng hiến trọn đời cho công việc chăm sóc bệnh nhân có H, giúp người bệnh sống nhẹ nhàng hơn trong những ngày tháng cuối đời.Thầm lặng cống hiến Vượt qua 265km từ thành phố Vũng Tàu, chúng tôi đến Bệnh viện Nhân Ái vào một cuối chiều mùa thu để tặng suất ăn miễn phí và quà cho bệnh nhân ở đây. Nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, Bệnh viện Nhân Ái lọt thỏm giữa ngút ngàn rừng tạp già cỗi. Đón chúng tôi ngay nhà công vụ của bệnh viện, nữ tu sĩ tên sơ Liên tươi cười đôn hậu: “Nghe tin đoàn lên tặng quà và suất ăn, bệnh nhân mừng lắm. Bệnh viện có 351 bệnh nhân là người có H giai đoạn cuối. Chúng tôi là những điều dưỡng viên tình nguyện chăm sóc bệnh nhân ở đây”. Để chăm sóc 351 bệnh nhân có H giai đoạn cuối, ngoài đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn kỹ thuật, sức khỏe tốt và tinh thần nhân ái cao, còn có 7 nữ tu sĩ. Đó là những nữ tu ở nhiều tỉnh thành khác nhau tự nguyện lên bệnh viện này làm việc nghĩa. Không thể miêu tả chi tiết hàng ngàn việc không tên mà 7 nữ tu đã làm nơi đây để chăm sóc người bệnh, chỉ biết họ đang thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân mà không hề toan tính.  69 tuổi đời, gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái từ ngày đầu thành lập. Trong gần 12 năm qua, nữ tu sĩ Lê Thị Xoài bỏ qua hết cuộc sống riêng tư, tình nguyện lên đây chăm sóc cho bệnh nhân có H giai đoạn cuối. Ngần ấy thời gian, bà không nhớ đôi tay đã nâng đỡ bao bệnh nhân, bao lần giặt dũ quần áo và bao lần rơi nước mắt trước cơn đau đớn quằn quại của người bệnh, hoặc chứng kiến sự ra đi trong nước mắt của bệnh nhân. Song mỗi lần giúp người bệnh thức tỉnh được những sai lầm trong quá khứ dẫn đến mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nâng đỡ một người bệnh suy sụp tinh thần “chỉ muốn đập đầu vào tường chết cho xong” muốn sống để “làm lại cuộc đời”, là bà có thêm một niềm vui.  
Lòng nhân ái giữa núi rừng ảnh 1 Các nữ tu tặng quà cho bệnh nhân Khoa Tâm thần
 Nối tiếp sự cống hiến của những nữ tu sĩ thế hệ trước, nữ tu sĩ Thu Thủy 30 tuổi, điều dưỡng viên trẻ nhất đến từ quận Gò Vấp, TPHCM gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái từ năm 2015. Ngần ấy thời gian chị tiếp xúc, chăm sóc cho hàng trăm lượt bệnh nhân nhưng chưa bao giờ Thủy có ý định từ bỏ nơi này, dẫu cho những việc chị đang làm cực nhọc và luôn có nguy cơ phơi nhiễm. 
Chị Thủy chia sẻ: “Khi mới đầu lên đây, nhìn thấy bệnh nhân cũng sợ hãi, vì người đối diện với mình mang căn bệnh thế kỷ. Song thấy các em quằn quại đau đớn, tôi không cầm lòng được. Có em bị nhiễm trùng cơ hội lở loét quanh người, rộp hết miệng, mình phải nhỏ từng giọt sữa cho em. Có em la lên “con đau lắm sơ ơi”, lúc đó mình động viên... Nhiều em khi sức khỏe ổn định rất muốn về thăm gia đình nhưng theo quy định của bệnh viện, nếu bệnh nhân sức khỏe tốt, 3 tháng được về thăm gia đình 5 ngày. Nhưng cứ từ gia đình lên thì sức khỏe xấu đi. Tìm hiểu mới biết, các em về gia đình lại kiếm tiền mua ma túy chích cho thỏa cơn ghiền rồi trở lại bệnh viện. Các em có H thường sức khỏe xấu đi vì nhiễm trùng cơ hội. Nhiều em chết vì một bệnh khác như lao phổi bị kháng thuốc, nấm loét, ung thu, chứ nếu chỉ có H mà sống lạc quan, rèn luyện thể lực tốt thì sức khỏe cũng như người bình thường”.  Nữ tu tâm sự, tiếp xúc với người bệnh, nhìn thấy mạng sống của họ đang chết dần mình không thể cầm lòng. Những người có H, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Người nhiễm do ăn chơi trác táng, đến lúc hối hận mới xin vô đây, người bị phơi nhiễm, người bị lây nhiễm từ người tình, hoặc vợ chồng. Cũng có cả bệnh nhân là con đại gia, con ca sĩ nổi tiếng. Khi đã vô đây, đa số là bệnh nhân nặng và xác định đã đến là không có ngày trở lại với gia đình. Cũng theo nữ tu sĩ Thu Thủy, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản mình, tất cả việc thay băng, chăm sóc, nâng đỡ người bệnh đều tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp y tế. Bản thân người chăm phải hết sức mềm mỏng và tuyệt đối không cáu gắt hoặc có biểu hiện kỳ thị. Những bệnh nhân vào đây coi như đã cuối đường, mình không được phép làm cho họ tổn thương về tinh thần thêm nữa. Bởi vậy, mỗi điều dưỡng viên như người bảo mẫu, phải có tấm lòng nhân ái bao dung. Cũng như nữ tu Lê Thị Xoài, nữ tu Thu Thủy, nữ tu sĩ Liên có thâm niên gần 7 năm chăm sóc, nâng đỡ tinh thần cho người bệnh. Chị Liên chia sẻ, giữa rừng núi âm u, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, để chăm sóc người bệnh có H và gắn bó cả đời ở đây, người ngoài nhìn vào bảo chúng tôi can đảm, có tấm lòng nhân ái. Nhưng thực ra chúng tôi được phục vụ người bệnh là một cơ duyên. Những người có H giai đoạn cuối ở mọi lứa tuổi, có khi bằng tuổi bố mẹ mình, hoặc bằng tuổi anh chị, tuổi em, thậm chí bằng tuổi con, cháu. Nhiệm vụ chúng tôi là nâng đỡ tinh thần, giúp họ nhận thức và hòa nhập cộng đồng, sống vui, với quãng đời còn lại. Những bệnh nhân sắp mất có nhu cầu gì, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng. Ở đây có 7 nữ tu sĩ, 2 người là y tá kiêm điều dưỡng có lương của nhà nước trả hàng tháng theo quy định, còn 5 người không có lương mà chỉ có phụ cấp tiêu vặt 1,8 triệu đồng/tháng. Thức ăn cho bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào các mạnh thường quân.Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh Bệnh viện Nhân Ái thành lập ngày 31-10-2006. Đây là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam dành riêng cho những bệnh nhân có H giai đoạn cuối do Sở Y tế TPHCM xây dựng và quản lý. Chức năng của bệnh viện là khám, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh lý về HIV/AIDS; chăm sóc, hỗ trợ về tâm lý, tinh thần và điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân có H giai đoạn cuối; tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân, thân nhân gia đình bệnh nhân và những người có nhu cầu; phối hợp Đông, Tây y trong ứng dụng và điều trị hỗ trợ bệnh nhân có H. Trong nhiều nhiệm vụ ấy, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây coi “Động viên, nâng đỡ tinh thần người bệnh sống lạc quan, yêu đời, có ích” làm trọng. Nữ tu sĩ Lê Thị Xoài cho biết, bệnh viện gồm 12 phòng/ khoa, trong đó có 4 khoa trực tiếp chăm sóc và điều trị cho 351 bệnh nhân có H. Điều kiện cơ sở vật chất thiết bị của bệnh viện khá hiện đại, phục vụ cho chẩn đoán, điều trị để tăng khả năng miễn dịch, giảm nhiễm trùng cơ hội, kéo dài tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, nhưng chính các bác sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viện mới chính là những vị thần của người bệnh. “Những người đến bệnh viện này làm việc, ngoài ý chí, nghị lực phải biết chấp nhận hy sinh. Bởi làm việc trong môi trường này, đồng nghĩa với sống chung với AIDS”, nữ tu Xoài chia sẻ. Trời ngả về chiều, sương bắt đầu giăng mờ trên những vạt đồi xanh quanh bệnh viện. Chia tay núi rừng về thành thị, nữ tu sĩ Lê Thị Xoài cầm tay chúng tôi nói: “Ở vùng hẻo lánh này chỉ có tấm lòng nhân ái. Những nghĩa cử của đoàn từ thiện không đơn thuần là bữa ăn, gói quà, mà là sự sẻ chia, cảm thông, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi hứa sẽ cống hiến hết sức mình vì bệnh nhân, giúp đỡ họ sống vui, sống có ích những tháng ngày còn lại” 

Tin cùng chuyên mục