Lớp học tại vườn

“Cây lan này sao bông nhỏ vậy thầy?”; “Làm sao để vườn lan hết cỏ như ở đây, xịt thuốc nào được?”; “Lan đang lụi dần nên dưỡng bằng thuốc gì?; “Mua cây giống ở đâu rẻ, cải tạo đất phèn để trồng lan như thế nào?… Đó là không khí thảo luận tại lớp học về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan dành cho nông dân tại vườn lan của ông Kiều Lương Hồng (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM)…
Lớp học tại vườn

“Cây lan này sao bông nhỏ vậy thầy?”; “Làm sao để vườn lan hết cỏ như ở đây, xịt thuốc nào được?”; “Lan đang lụi dần nên dưỡng bằng thuốc gì?; “Mua cây giống ở đâu rẻ, cải tạo đất phèn để trồng lan như thế nào?… Đó là không khí thảo luận tại lớp học về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan dành cho nông dân tại vườn lan của ông Kiều Lương Hồng (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM)…

  • Lớp học nơi nhà lá

Lớp học được diễn ra trong căn nhà lá nằm ngay giữa vườn lan. Học viên là những nông dân đủ mọi thành phần, lứa tuổi với kỳ vọng cải tạo chuyển đổi khu vườn tạp của mình thành vườn lan có năng suất và hiệu quả cao nhất. Giảng viên là nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (Tám Ngọc), người có thâm niên trồng lan mấy chục năm trong nghề. Ông Kiều Lương Hồng, chủ nhân vườn lan nơi diễn ra lớp học cho biết: “Để giúp cho các hội viên có thêm kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, cây kiểng, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân TPHCM, chúng tôi đã mời nghệ nhân về tận vườn để dạy trực tiếp cho nông dân và đây là lớp thứ 2 được tổ chức tại vườn này”.

Nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (phải) đang hướng dẫn nông dân chăm sóc hoa lan tại vườn.

Nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (phải) đang hướng dẫn nông dân chăm sóc hoa lan tại vườn.

“Học tại vườn tiện nhất vì tụi tui không phải đi xa. Hơn nữa cách dạy của nghệ nhân tại vườn mô tả chi tiết và thực hành tại chỗ nên rất dễ hiểu, dễ làm. Thậm chí những triệu chứng bệnh, những trạng thái bất thường của cây tụi tui cũng không biết gọi nó như thế nào để miêu tả nhưng kéo thầy ra vườn chỉ vào cây có triệu chứng tương tự thì thầy biết ngay và hướng dẫn thuốc. Ngay cả tên thuốc, viết bằng tiếng nước ngoài lằng ngoằng nhớ mãi không nổi nhưng chỉ cần thầy giới thiệu vỏ hộp thuốc, cách pha thì tụi tui hiểu rất nhanh” - lão nông Phan Văn Vệ bày tỏ.

Học viên - nông dân Kiều Tín Ngưỡng cho biết, trước đây gia đình ông canh tác canh tác 5.000m² đất lúa ở ấp 2, xã Tân Kiên không hiệu quả, thất mùa nhiều năm liền vì dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm từ khu dân cư, công ty xí nghiệp quanh vùng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về hoa lan, cá cảnh, cây kiểng, thiết kế vườn nhất là học hỏi kinh nghiệm trồng lan từ các nghệ nhân ông đã chuyển đổi sang trồng lan. Hiện vườn lan và cây kiểng của ông Ngưỡng cho thu nhập trên hàng chục triệu đồng/tháng. Ngoài tiền thu từ bán lan cắt cành hàng tuần, ông còn có thêm tiền bán giống. “Được tham gia những lớp học ngay tại vườn như thế này không những nông dân cúng tôi được trang bị thêm kiến thức mà còn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm từ thầy và các học viên khác. Cái chính là chúng tôi được thầy trao đổi, chỉ dẫn trực tiếp trên cây, tại vườn chứ không phải ghi chép qua sách vở - điều mà nông dân chúng tôi ngại nhất” - ông Ngưỡng chia sẻ.

  • Hiệu quả từ “cầm tay chỉ việc”

“Dạy nghề cho nông dân phải thiết thực. Dạy cho nông dân không thể như dạy cho sinh viên. Tuổi tác, kiến thức, tiếp thu mỗi người mỗi khác nên không thể cứ lý thuyết suông mà họ cần hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc nhiều hơn và họ nắm bắt kỹ thuật rất nhanh. Có những bài thi về lý thuyết họ làm chệch choạc nhưng về điểm thực hành và kỹ thuật thì tuyệt vời” - nghệ nhân Bùi Văn Ngọc nhận xét.

Theo ông Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân TPHCM, đào tạo nghề cho nông dân là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay TPHCM đang triển khai các mô hình dạy nghề thiết thực cho nông dân, trong đó nhiều nơi đã tổ chức mời các nghệ nhân về tại vườn. Để thực hiện chủ trương chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân TP chỉ đạo hội nông dân các quận, huyện tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh dạy nghề, nông dân còn được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.

HỒ THU

Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân TPHCM đã tổ chức gần 200 trăm lớp dạy nghề, cho hàng ngàn nông dân. Các ngành nghề được các nông dân học nhiều như: kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, kỹ thuật trồng và chăm sóc ghép mai, kỹ thuật cắt tỉa cành tạo dáng bonsai, kỹ thuật trồng rau mầm, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm…

Tin cùng chuyên mục