Lựa chọn sản phẩm xanh để bảo vệ sức khỏe

Gần 10 năm là khoảng thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sinh thái. Thế nhưng, cho đến nay chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia và đạt chứng nhận nhãn xanh cho sản phẩm của mình. 
Chương trình khuyến khích sản xuất sản phẩm sinh thái của Bộ TN-MT đang có nguy cơ phá sản vì số lượng doanh nghiệp quan tâm không nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT. 
Phóng viên: Hiện có bao nhiêu sản phẩm được chứng nhận nhãn xanh? 
Bà NGUYỄN THỊ THIÊN PHƯƠNG: Tính đến nay chỉ mới có 5 sản phẩm được Bộ TN-MT chứng nhận nhãn xanh. Riêng sản phẩm bao bì có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký và được chứng nhận sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. 
Việc quá ít sản phẩm của doanh nghiệp đạt chứng nhận nhãn xanh có phải do doanh nghiệp chưa quan tâm? 
Thực ra cho đến nay, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh đã rất cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, phải thừa nhận những chính sách này chưa thực sự thu hút doanh nghiệp quan tâm. 
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do chúng ta chưa xây dựng thị trường hấp dẫn, đủ để doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sản xuất sản phẩm xanh. Trên thị trường, các sản phẩm có cùng chức năng sử dụng nhưng sản phẩm thiếu yếu tố thân thiện với môi trường vẫn có giá thành thấp hơn sản phẩm có yếu tố thân thiện môi trường. Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng vẫn ưu tiên dùng sản phẩm có cùng chức năng nhưng giá thành thấp. 
Về hoạt động mua sắm công - đây được xem là “người tiêu dùng lớn” trên thị trường, nhưng chưa ưu tiên lựa chọn mua sắm và sử dụng sản phẩm xanh trong công trình công. Chúng ta đã có những quy định về việc các cơ quan chức năng Nhà nước khi mua sắm công phải ưu tiên tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng do biện pháp chế tài đi kèm cho đến nay vẫn chưa có nên hiệu quả thực thi còn rất kém.  
Lựa chọn sản phẩm xanh để bảo vệ sức khỏe ảnh 1 Sản xuất tại một doanh nghiệp đạt chứng nhận nhãn xanh. Ảnh: CAO THĂNG
Sản phẩm chứng nhận nhãn xanh thì ít nhưng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký và được chứng nhận. Lý do tại sao thưa bà?
Thực tế này liên quan đến chính sách kinh tế. Đầu năm 2013, Chính phủ chính thức đánh thuế môi trường đối với sản phẩm bao bì chưa thân thiện với môi trường. Mức thuế áp dụng từ 100% - 200% giá thành bao bì sản xuất. Cụ thể, nếu doanh nghiệp sản xuất 1kg bao bì có giá 20.000 đồng thì phải cộng thêm thuế 100%, tức là 20.000 đồng. Như vậy, giá bán 1kg bao bì là 40.000 đồng. Trường hợp, doanh nghiệp không muốn bị đánh thuế môi trường thì phải cải tiến công nghệ sản xuất và sản phẩm bao bì phải tự hủy, thân thiện với môi trường. Giải pháp đánh thuế trên đã tạo động lực rất mạnh, buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, chuyển sang sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. 
Có thể nói, thực trạng sử dụng bao bì ni lông khá phổ biến tại nước ta. Những hệ lụy từ rác thải ni lông đang gây nguy hại nặng nề cho môi trường. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ TN-MT, trung bình mỗi ngày, người dân thải ra môi trường hàng triệu túi ni lông đã qua sử dụng. Loại rác thải này không thể phân hủy hoặc phân hủy rất chậm, gây tắt nghẽn hệ thống cống, kênh rạch thoát nước và gây hại nặng nề cho hệ sinh thái biển. Việc đánh thuế môi trường lên sản phẩm này là việc làm hoàn toàn đúng đắn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện nay. Chỉ đáng tiếc, giải pháp kinh tế trên chưa áp dụng rộng rãi cho sản phẩm khác trên thị trường. 
Sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường không thể có giá thành rẻ hơn sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, tại nhiều nước trên thế giới, đây đang là xu thế tiêu dùng áp đảo trên thị trường. Vậy đâu là giải pháp của vấn đề này? 
Ý thức cộng đồng là yếu tố quyết định cho việc hình thành thị trường tiêu dùng xanh. Qua khảo sát của Bộ TN-MT thực hiện tại nhiều thị trường trên thế giới cho thấy, sản phẩm xanh thường có giá thành cao hơn những sản phẩm thông thường nhưng người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh bởi họ cho rằng, theo quy trình vòng tròn thì những gì họ đang dùng sẽ tác động trực tiếp đến môi trường sống, hay nói đúng hơn là sức khỏe của chính họ. Do đó, bảo vệ môi trường là cách họ bảo vệ chính sức khỏe của bản thân.
Vậy theo bà, để có thể kích thích phát triển sản phẩm xanh trong nước, Bộ TN-MT sẽ đưa ra những giải pháp gì trong thời gian tới? 
Phải kích cầu tiêu dùng xanh. Đây là yếu tố mấu chốt để tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh. Hiện Bộ TN-MT đang tham mưu Chính phủ đưa ra các quy định buộc khu vực mua sắm công phải thực hiện ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh. Cùng với chính sách này, sẽ thống kê danh mục sản phẩm xanh hiện có. Danh sách này cũng sẽ được cập nhật để ngày càng đa dạng chủng loại sản phẩm xanh. Thực hiện được chính sách ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh trong khu vực mua sắm công sẽ kích thích, tạo dư địa thị trường đủ hấp dẫn cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm xanh. Quan trọng hơn, tạo độ uy tín, tin cậy cần thiết cho sản phẩm xanh trên thị trường tiêu dùng nội địa.

Tin cùng chuyên mục