Luân chuyển cán bộ góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ

Ngày 5-4, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị công tác luân chuyển cán bộ, lấy ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan có cán bộ luân chuyển đi và đến, cán bộ luân chuyển vào dự thảo Báo cáo sơ kết công tác luân chuyển cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2011 - 2016.

(SGGP).- Ngày 5-4, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị công tác luân chuyển cán bộ, lấy ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan có cán bộ luân chuyển đi và đến, cán bộ luân chuyển vào dự thảo Báo cáo sơ kết công tác luân chuyển cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, trên cơ sở các chủ trương, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác luân chuyển cán bộ trong nhiệm kỳ qua đã đạt được một số kết quả tích cực: tạo chuyển biến về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ tại các cấp ủy, tổ chức Đảng; góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ; từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong đội ngũ cán bộ; góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương... Tuy nhiên, công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về tư duy, cách làm còn chậm đổi mới; chưa có phương pháp đánh giá chính xác đối với cán bộ luân chuyển thông qua các tiêu chí; chưa xây dựng được các quy định về công tác luân chuyển cán bộ một cách đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ. Một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả...

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các kết luận, hướng dẫn của Trung ương là đúng đắn, kịp thời, phù hợp và sát với nhu cầu thực tiễn. Công tác luân chuyển là nhu cầu thiết thực của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ nên đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên...

Qua thực hiện cho thấy đã tạo chuyển biến về nhận thức, tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ tại các cấp ủy, tổ chức Đảng; góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ và khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong đội ngũ cán bộ; chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện để luân chuyển đào tạo cán bộ và kết hợp tăng cường cán bộ cho một số địa phương còn khó khăn là chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng nêu lên những hạn chế cụ thể trong công tác luân chuyển cán bộ như: một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ; một số mục tiêu, chủ trương, giải pháp đề ra trong nghị quyết vẫn chưa được thực hiện, hiệu quả chưa cao; các quy định, quy chế làm việc liên quan đến chức danh luân chuyển, chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển còn thiếu đồng bộ...

Thảo luận về phương hướng, giải pháp thực hiện công tác luân chuyển cán bộ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo cán bộ và sắp xếp, bố trí cán bộ; thông qua việc luân chuyển, bố trí cán bộ ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để thử thách, rèn luyện cán bộ, phát hiện người tài; kết hợp chuẩn bị đội ngũ cán bộ nguồn (người đứng đầu) các cấp và cán bộ chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Một số ý kiến cho rằng, cần kết hợp luân chuyển với điều động bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, những địa phương, đơn vị còn nhiều khó khăn về nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ. Song song với đó, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ không phải là người địa phương; kết hợp bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, góp phần đảm bảo cơ cấu cán bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, tránh hiện tượng khép kín, cục bộ, mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm...

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục