Luật Báo chí phải có chế tài đủ mạnh để bảo vệ nhà báo

Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề phiên họp của Quốc hội sáng nay 12-6.
Luật Báo chí phải có chế tài đủ mạnh để bảo vệ nhà báo

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc:

Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề phiên họp của Quốc hội sáng nay 12-6.

Ông Phúc nhận định: “Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí với Quốc hội. Báo chí đã đem ý kiến của cử tri, cung cấp thông tin từ cuộc sống tới các vị ĐBQH. Cá nhân tôi cũng đã tiếp nhận được nhiều thông tin vô cùng hữu ích cho hoạt động của mình. Chẳng hạn, liên quan đến việc sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, báo chí đã tiếp thu, phản ánh những ý kiến, nhận xét của người dân, các doanh nghiệp, giúp ĐBQH có thông tin đa chiều, từ đó có những quyết sách để điều chỉnh khung pháp luật”

Luật Báo chí phải có chế tài đủ mạnh để bảo vệ nhà báo ảnh 1

Ông Nguyễn Hạnh Phúc

* PV: Trong tiếp xúc giữa báo chí với QH, nhiều ĐBQH còn khá ngần ngại với phóng viên báo chí, ông đánh giá như thế nào vấn đề này?

* ÔNG NGUYỄN HẠNH PHÚC: Có thể có ĐBQH còn ngần ngại do chưa quen tiếp xúc với báo chí. Tôi cũng mong muốn báo chí làm sao truyền tải được những ý kiến của ĐBQH một cách trung thực, khách quan, tránh giật tít câu khách, không đúng sự thật. Khi đó, ĐBQH và báo chí sẽ có sự gắn kết với nhau như những người bạn tốt đồng hành. QH đã mở ra cơ chế để ĐBQH có thể giám sát ở nơi khác ngoài nơi họ ứng cử. Những thông tin từ báo chí sẽ giúp cho ĐBQH có thêm thông tin để giám sát được tốt hơn. Vừa qua, khi QH chọn các vị Bộ trưởng đăng đàn chất vấn, ngoài những kênh thông thường như tiếp thu ý kiến của cử tri, phản ánh qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đầu kỳ họp, ĐBQH cũng tiếp thu được từ báo chí rất nhiều thông tin phản ánh những vấn đề cử tri quan tâm, từ đó lựa chọn vấn đề đưa lên nghị trường. Báo chí đã giúp ĐBQH chọn được những vấn đề, nhóm vấn đề “nóng” để thảo luận, chất vấn trên nghị trường, được cử tri hoan nghênh.

* Gần đây xảy ra tình trạng nhà báo bị hành hung. Thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ nhà báo cũng làm giảm sút ý chí chiến đấu của nhà báo trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Ông thấy thế nào?

* Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong lĩnh vực đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt là phòng chống tham nhũng. Thực sự phòng chống tham nhũng mà thiếu thông tin do báo chí cung cấp thì không thể có hiệu quả. Hiện nay Luật Báo chí đang được QH xem xét sửa đổi, bổ sung. Đây chính là một vấn đề quan trọng cần xem xét theo hướng phải có chế tài đủ mạnh xử lý việc hành hung nhà báo.

* Có đề xuất coi hoạt động báo chí là thi hành công vụ, xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này?

* Như đã nói, Luật Báo chí tới đây sẽ sửa và tôi tin rằng những ý kiến trên sẽ được các ĐBQH nghiên cứu, đưa vào luật.

* Với tư cách là người phát ngôn của QH, ông có mong muốn và lời chúc gì tới các nhà báo?

* Tôi mong muốn các nhà báo luôn có nhiệt tâm và dũng khí để phản ánh kịp thời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, phản ánh tích cực những hoạt động của QH phục vụ lợi ích nhân dân. Tới đây, Văn phóng Quốc hội và Hội Nhà báo sẽ thành lập và ra mắt CLB phóng viên theo dõi QH, có thể ngay trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam tới đây. Tôi mong muốn các nhà báo tích cực tham gia CLB này để gắn kết chặt chẽ với chúng tôi hơn trong từng công việc cụ thể.

* Cảm ơn ông!

ANH PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục