Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ phạt nghiêm, không “cào bằng” vi phạm

Dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng (hiện tại là 2 tỷ đồng) đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân (hiện tại là 1 tỷ đồng) để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Mức phạt này cũng đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm tới (5%/năm x 10 năm). 

Chiều 2-4, Ủy ban Kinh tế họp thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). So với luật hiện hành, bản dự thảo được xem xét tại phiên họp giữ nguyên 8 điều, bãi bỏ 30 điều, sửa 98 điều và bổ sung 29 điều.

Những nội dung được sửa đổi liên quan đến công tác quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, như trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, thẩm quyền, thủ tục tạm dừng, đóng cửa, khôi phục thị trường chứng khoán, trách nhiệm của sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường...

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, một sửa đổi quan trọng lần này nhằm tạo điều kiện triển khai việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình, xây dựng cơ chế cho các bộ ngành trong đàm phán, thương lượng và ký kết các thỏa ước quốc tế.

Vẫn theo ông Hải, dự thảo luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thanh tra, xử lý vi phạm theo hướng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu; hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra.

Cơ quan này sẽ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin của pháp luật về các tổ chức tín dụng; có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm…

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, toàn bộ dự thảo có đến 39 khoản giao cho Chính phủ quy định là quá nhiều. Liên quan đến một số nội dung cụ thể, dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng (hiện tại là 2 tỷ đồng) đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân (hiện tại là 1 tỷ đồng) để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Mức phạt này cũng đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm tới (5%/năm x 10 năm).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh và một số ý kiến khác cho rằng nên phân nhỏ mức phạt theo nhóm để khắc phục tình trạng “cào bằng” và tăng tính răn đe…

Tin cùng chuyên mục