Luật hóa vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ kiểm soát thuế

Trước thời đại công nghiệp 4.0, hoạt động thương mại điện tử phát triển rầm rộ. Hiện hơn nửa dân số Việt Nam đã sử dụng công nghệ, smartphone và lượng người tham gia thương mại điện tử ngày một tăng. Tuy thị trường thương mại điện tử là xu thế, nhưng việc thu thuế hiện nay không thể cải tiến để theo kịp. 
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: THANH TRÍ
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: THANH TRÍ

Do vậy, rất cần sự hợp tác của các tổ chức khác, đặc biệt trong việc nắm bắt thông tin thanh toán từ ngân hàng để giúp cơ quan thuế kiểm soát thuế. Do vậy, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này cần phải luật hóa vai trò của ngân hàng trong cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan thuế.

Quy định thành luật

Từ thực tế đòi hỏi, các ngân hàng thương mại phải định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế để hỗ trợ thu thuế, tránh thất thu là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Do vậy, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, tại khoản 2 Điều 27, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định: “Các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản (theo định kỳ) của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế”. Theo quy định pháp luật hiện nay, doanh nghiệp và cá nhân có quyền mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau để phục vụ cho việc kinh doanh của mình. Nếu doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế xử lý nợ thuế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, nhưng không biết doanh nghiệp có bao nhiêu tài khoản, mở ở những ngân hàng nào. Vì thế, để đảm bảo trong quản lý, dự thảo có đưa vào quy định các ngân hàng thương mại có sự phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện nhiều nước trên thế giới đã có sự phối hợp giữa các ngân hàng với cơ quan thuế. Khi cơ quan thuế yêu cầu, ngân hàng sẽ cung cấp thông tin tài khoản doanh nghiệp để cơ quan thuế biết. Tại Pháp, thông tin giao dịch của tất cả doanh nghiệp ở các ngân hàng châu Âu đều được cung cấp cho cơ quan thuế khi có yêu cầu.

Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh trực tuyến qua trang web của các công ty nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… phát triển mạnh nhiều năm qua, nhưng cơ quan thuế không thể thu được thuế vì các tổ chức kinh doanh này không có trụ sở tại Việt Nam, cơ quan thuế không nắm được thực tế kinh doanh. Để nắm bắt được hoạt động kinh doanh thì việc kiểm soát thanh toán qua ngân hàng là phương thức hữu hiệu nhất. Bởi theo quy định, các cá nhân, tổ chức kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào, có phát sinh lợi nhuận đều phải tự kê khai thuế, nộp thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi gian lận thuế. Tuy nhiên, ý thức chủ động tuân thủ pháp luật của một số đơn vị, cá nhân chưa cao nên tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này rất lớn.

Do vậy, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), có một nội dung mới so với trước đây, đó là quy định Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cụ thể là phải xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử…

Cả việc thu thuế hộ…

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là loại hình kinh doanh mới. Hiện việc quản lý thuế đối với hình thức thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn; trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ quan thuế không xác định được doanh thu, luồng tiền thanh toán trong các giao dịch thương mại điện tử, việc này chỉ ngành ngân hàng mới nắm rõ nhất dòng tiền ra - vào trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới...

Do vậy, để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế cần có thêm các quy định mới, phải giao chức năng kiểm soát thu thuế qua việc thanh toán trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, quy định các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm khấu trừ, thu hộ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Đó là lý do dự thảo luật đã bổ sung những quy định gồm xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế (Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an…). Trong đó, hóa đơn điện tử và thanh toán qua ngân hàng rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và hạn chế thất thu thuế.

Tin cùng chuyên mục