Luật Quản lý thuế: “Lưới” quá rộng?!

Luật Quản lý thuế hiện nay cho phép doanh nghiệp (DN) được quyền “tự tính, tự khai, tự nộp thuế”, trong khi đó, theo thống kê của Cục thuế TPHCM, với tỷ lệ kiểm tra quân bình hiện nay, mỗi DN phải 10 năm mới bị kiểm tra lại một lần!
Luật Quản lý thuế: “Lưới” quá rộng?!

Luật Quản lý thuế hiện nay cho phép doanh nghiệp (DN) được quyền “tự tính, tự khai, tự nộp thuế”, trong khi đó, theo thống kê của Cục thuế TPHCM, với tỷ lệ kiểm tra quân bình hiện nay, mỗi DN phải 10 năm mới bị kiểm tra lại một lần! Theo quy định, việc kiểm tra, quyết toán thuế chỉ có thời hiệu trong vòng 5 năm, có nghĩa là DN nào hơn 5 năm mới bị kiểm tra là sẽ được “thoát” những năm trước đó. Cách nào để chống gian lận, thất thu thuế... là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các ngành chức năng quan tâm tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế mới đây.

Luật Quản lý thuế: “Lưới” quá rộng?! ảnh 1

Nhân viên Cục Thuế TPHCM giải quyết hồ sơ kê khai thuế doanh nghiệp qua hệ thống đọc mã vạch. Ảnh: KIM NGÂN

Kiểm tra “điểm”: chuyện hên - xui!

“Hiện ngành thuế TPHCM quản lý khoảng 140.000 DN và gần 400.000 hộ cá thể. 6 tháng đầu năm đã có 14.000 tổ chức có nhu cầu giải thể. Nếu tính ít nhất 1 năm biến động 10%, cùng với kiểm tra hoàn thuế, gia hạn thuế cho hàng chục ngàn DN nữa thì lượng công việc quá nhiều. Theo quy định của ngành là 1 năm kiểm tra 10% - 15% số DN về chấp hành pháp luật thuế. Nếu cứ làm theo trình tự như vậy thì 10 năm sau mới quay lại kiểm tra DN đầu tiên”, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM nói.

Trong khi đó, luật cho phép DN tự tính, tự khai, tự nộp thuế mà hoạt động kiểm tra lại “thưa” như vậy thì chất lượng các kê khai (tự tính, tự khai) như thế nào chắc hẳn là chưa được giám sát kỹ. Điều đó đẫn đến chuyện hên – xui trong kiểm tra thuế. Vì số lượng DN bị kiểm tra ít nên đơn vị không bị kiểm tra có khả năng thoát, còn đơn vị nào bị kiểm tra có thể gọi là xui! Tương tự, với tình hình kiểm tra mỏng như thế sẽ kéo theo nhiều rủi ro khi hoàn thuế. Và việc này cũng sẽ không được cải thiện trong thời gian tới khi mà với áp lực cải cách hành chính càng thêm rút ngắn thời gian trong việc.

Hoạt động quản lý DN hiện nay quá lỏng. Ngay một cán bộ thuế cũng phát biểu thẳng thắn rằng, chẳng một cán bộ quản lý thuế nào dám nói là mình nắm được doanh số bán của DN do mình quản lý. Theo quy định hiện nay, hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau, tất cả phải thanh toán qua ngân hàng (trước đây quy định trên 20 triệu đồng mới phải thanh toán qua ngân hàng). Dù chúng ta luôn tuyên truyền và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thực tế những khoản thanh toán tiền mặt rất nhiều. Đã vậy nhiều DN còn vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn nên cơ quan thuế không thể quản lý hết được doanh thu của DN. Nhiều DN khác muốn kiểm tra trước hoàn thuế sau nhưng cũng không được vì số lượng công việc quá nhiều, tạo áp lực đối với cơ quan thuế. Đã vậy, trong dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này thuế rút ngắn thời gian kiểm trước hoàn sau từ 15 ngày làm việc xuống 6 ngày. Điều này cơ quan thuế rất khó thực hiện xuể.

Theo quy trình, chi cục thuế tiếp nhận hồ sơ của DN, kiểm tra, chuyển hồ sơ từ chi cục lên cục thuế để ra quyết định hoàn thuế thì trong vài ngày không đủ thời gian. Nếu rút ngắn thời gian cũng ở mức 10-12 ngày và phải đi kèm với điều kiện cho các chi cục thuế có thẩm quyền được hoàn thuế, đồng thời tăng trách nhiệm của DN với tính chính xác về hồ sơ xin được hoàn, cơ quan thuế xem xét trên bộ hồ sơ của DN.

Thuận tiện phải gắn với chặt chẽ

Một nghịch lý là có nhiều DN muốn kiểm tra thuế cũng không được. Cụ thể là nhiều DN cổ phần cuối năm tất toán năm tài chính muốn cơ quan thuế kiểm tra để DN yên tâm tất toán sớm nhưng không được. Nguyên nhân, theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, từ Luật Thuế doanh thu đến Luật Thuế thu nhập DN đều quy định cơ quan thuế chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để tránh ảnh hưởng đến DN. Trước khi kiểm tra, cơ quan thuế phải thực hiện theo trình tự các bước: yêu cầu DN giải trình, khi nào không giải trình được thì cơ quan thuế mới thông báo, báo trước cho DN biết thời gian đến kiểm tra. Như vậy, có vẻ như thuận tiện cho DN nhưng đối với DN cố tình vi phạm thì khó phát hiện. DN khác muốn kiểm tra cũng không được.

Ông Mai Thanh Tòng, Hội Kế toán thuế TPHCM cho rằng cơ quan quản lý thuế cần hỗ trợ DN trong quá trình khai thuế. Khi DN thực hiện tự khai, tự chịu trách nhiệm nhưng nộp hồ sơ cho cơ quan thuế mà không biết đúng hay sai. Các DN rất mong cơ quan thuế kiểm tra xem DN khai đúng hay sai để kịp thời khắc phục. Bởi có trường hợp DN khai sai đến 9-10 năm sau mới bị phát hiện sai thì tiền phạt còn nhiều hơn tiền truy thu. Do vậy, làm sao để tối đa 1-2 năm cơ quan thuế phải kiểm tra để giúp DN tuân thủ, nộp thuế tốt.

Để kịp thời trong kiểm tra, ông Trần Ngọc Tâm đề xuất, cần tăng cường cơ chế kiểm toán độc lập. Không chỉ kiểm toán trong hạch toán kế toán mà kiểm tra tính tuân thủ về chính sách thuế của DN. Đây là cơ quan kiểm toán độc lập, liệu cơ thuế có thể dựa vào kết quả này để xử lý các thông tin được hay không? Nếu DN sai phạm do lỗi của cơ quan nhà nước chỉ bị truy thu thuế, chứ không bị xử phạt. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều tranh cãi khi luật giao cả quyền tự tính, tự khai thuế cho DN, đến khi quyết toán lại giao cho cơ quan kiểm toán, mà cơ quan kiểm toán cuối cùng cũng là kiểm tra trên cơ sở hồ sơ giấy tờ do DN cung cấp chứ không chịu trách nhiệm về tính toàn diện và xác thực của hồ sơ. Như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm hậu kiểm, khi ngay cả cơ quan thuế cũng không hậu kiểm được?!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục