Luật trọng tài thương mại: Cần biện pháp bảo đảm hiệu lực của trọng tài

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thứ 27 đã chính thức khai mạc ngày 18-1 tại Hà Nội. Trong buổi sáng, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Trọng tài thương mại; góp ý hoàn thiện dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 2011. Chiều cùng ngày, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thi hành án hình sự. 

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thứ 27 đã chính thức khai mạc ngày 18-1 tại Hà Nội. Trong buổi sáng, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Trọng tài thương mại; góp ý hoàn thiện dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 2011. Chiều cùng ngày, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thi hành án hình sự. 

  • Phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài 

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp tại phiên họp, một trong số các vấn đề còn có ý kiến khác nhau là phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại. UB Tư pháp tán thành quy định “trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có liên quan đến hoạt động thương mại, và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác”. 

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH giải thích: “Theo Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của UB LHQ thì phạm vi điều chỉnh cũng chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế mà chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết của trọng tài sang cả các tranh chấp về dân sự.

Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài như quy định tại Luật Thương mại năm 2005 thì lại không đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật”. Trên thực tế, nhiều văn bản pháp luật hiện hành (như Bộ Luật Hàng hải, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…) đã quy định những trường hợp tranh chấp tuy không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng các bên được quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp đó bằng trọng tài. 

Cần biện pháp đảm bảo hiệu lực của phán quyết trọng tài là quan điểm thống nhất, xuyên suốt của nhiều thành viên UBTVQH khi bàn đến các vấn đề về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ và tòa án hỗ trợ Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ; yêu cầu hủy phán quyết trọng tài…

Tham dự phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định: “Cơ chế hỗ trợ của tòa án là hết sức quan trọng để đảm bảo hiệu lực thực thi các phán quyết của trọng tài. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn về việc hủy phán quyết của trọng tài và có chế tài mạnh đối với trường hợp đòi hủy phán quyết một cách không có căn cứ. Nếu không, trong nhiều trường hợp, ưu thế giải quyết nhanh của trọng tài sẽ không có ý nghĩa”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc dự thảo luật quy định chỉ cần một bên yêu cầu là có thể hủy phán quyết trọng tài (chỉ phải chịu một khoản lệ phí nhỏ) rất dễ bị lạm dụng. 

  • Ngăn chặn việc “xé lẻ” dự án 

Theo đề xuất của Chính phủ về việc xem xét sửa đổi Nghị quyết 66 của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, tới đây, những dự án, công trình có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước quy mô lớn, dự án khai thác sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản quý hiếm trữ lượng lớn hoặc dự án đầu ra nước ngoài quy mô lớn... sẽ phải trình ra Quốc hội trước khi triển khai. Đa số ý kiến thành viên UBTVQH tán thành việc sửa đổi này. 

Qua hơn 6 năm thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại, cả nước ta mới có 7 trung tâm trọng tài được thành lập, có 3 trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết một vụ việc nào; tổng số vụ việc giải quyết bằng trọng tài mới có 280 vụ.
(Nguồn: Báo cáo của UB Tư pháp của QH)

Nghị quyết 66 của QH ban hành năm 2006 quy định, những dự án có quy mô vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến môi trường, quốc phòng an ninh... phải trình QH quyết định. Song nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế vừa qua đã có nhiều dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp với quy mô lớn, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, sự ổn định và bền vững quốc gia lại “lọt khung”. 

Đề nghị bổ sung thêm những tiêu chí để đảm bảo các dự án quan trọng có tầm ảnh hưởng quốc gia được QH xem xét trước khi thực hiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo dẫn chứng, vừa qua có những dự án sử dụng hàng trăm nghìn hecta rừng đã được chủ đầu tư “xé lẻ” nên không được thông qua QH. Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cũng cho biết, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn khi dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) không thuộc diện trình QH xem xét 

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục