“Lùng nhùng” kê khai tiền hỗ trợ lũ lụt: Hàng chục hộ dân “tố” trưởng thôn, thú y thôn tắc trách

Câu chuyện lùm xùm kê khai tiền hỗ trợ lũ lụt cho người dân tại thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) đã diễn ra hơn 1 năm nay. Ngần ấy thời gian, thế nhưng hàng chục hộ dân ở đây vẫn phải kéo nhau “ôm đơn" đi kiện tụng khắp nơi “tố” trưởng thôn, thú y thôn tắc trách.
Người dân thôn Bình Lâm tiếp tục đòi kéo lên trụ sở thôn, xã để tố cáo sự việc và yêu cầu xã giải trình
Người dân thôn Bình Lâm tiếp tục đòi kéo lên trụ sở thôn, xã để tố cáo sự việc và yêu cầu xã giải trình

Kê khai "lùng nhùng", người dân muốn trưởng thôn, thú y thôn nghỉ việc?

Hàng chục hộ dân ở thôn Bình Lâm bức xúc, phản ánh việc trong 2 đợt lũ vào năm 2013 và 2016 khiến hàng vạn gia súc, gia cầm của họ bị chết, cuốn trôi nhưng đến khi có hỗ trợ từ Nhà nước thì chính quyền địa phương lại kê khai sai sót, gây mâu thuẫn. Đặc biệt là chuyện lùm xùm kê khai hỗ trợ gà, vịt, heo… chết do lũ lụt gây ra năm 2016.

Dù đã 1 năm trôi qua nhưng nhiều hộ dân vẫn “ôm” đơn đi kiện khắp nơi. Đến nay, sự việc vẫn chưa được các đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm, gây ra nhiều hiểu lầm, bức xúc kéo dài.

Qua tìm hiểu, bức xúc của người dân thôn Bình Lâm xoay quanh việc cán bộ thôn kê khai đối tượng được hưởng tiền hỗ trợ có nhiều sai sót hoặc để “lọt” hộ dân bị thiệt hại dẫn đến phân phát tiền hỗ trợ thiếu công bằng, không công khai.
Nhiều người dân thôn Bình Lâm vẫn hết sức bức xúc về việc kê khai tiền hổ trợ lũ lụt tại địa phương

Bà Nguyễn Thị Tuyết Kiều (53 tuổi, ngụ đội 5, thôn Bình Lâm) kể: Trận lũ năm 2013, gia đình tôi thiệt hại 10 con heo, 20 con gà; còn trận lũ năm 2016 thì 15 con heo và 30 con gà cũng bị cuốn trôi...

“Trận lụt năm 2013, Nhà nước có hỗ trợ bà con sau lũ lụt tôi không biết để kê khai nên tôi không tính. Nhưng đến năm 2016, chính quyền có bản mẫu kêu gọi người dân kê khai thiệt hại, tôi gửi bản kê khai lên thôn. Tuy nhiên, sau đó tiền hỗ trợ không có mà giấy kê khai cũng mất đâu luôn”, bà Kiều phản ánh.

Người dân thôn Bình Lâm bức xúc phản ánh sự việc đến phóng viên

Tương tự, anh Phan Thành Lâm (36 tuổi, ngũ đội 6, thôn Bình Lâm) cho biết, năm 2013 gia đình anh có nuôi 2 trại gà đến 6.000 con. Cơn lũ đến đã cuốn trôi không còn 1 con. Tuy vậy, anh không biết việc nhà nước có hỗ trợ để kê khai tìm hỗ trợ nuôi lại đàn gà.

“Mùa lũ năm đó, gia đình tôi lỗ nặng, nợ hàng trăm triệu đồng. Đến cuối năm 2016, tôi tiếp tục nuôi 1.000 con gà để bán dịp tết mong vớt vát nợ nần. Nhưng lũ đến bất ngờ, khiến gà mới nuôi của tôi chết sạch, nợ càng chồng nợ. Sau lũ, tôi cũng rất mong được Nhà nước hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Nhưng dù kê khai lên thôn rồi cũng không nhận được gì...”, anh Lâm bức xúc.

Ông Đinh Châu Lan (67 tuổi, ngụ đội 5, thôn Bình Lâm) phản ánh thêm: “Kiểu làm việc của chính quyền thôn hết sức khó hiểu, ai mạnh mồm được hỗ trợ còn không thì gạt đi. Sau khi người dân đồng loạt bức xúc, trên xã hỏi trưởng thôn thì ông này lại chỉ qua ông thú y. Họ cứ đổ qua đổ lại cho nhau, rất khó hiểu. Chúng tôi đã 10 lần gửi đơn lên xã, huyện và cả tỉnh nữa nhưng vẫn chưa thấy ai giải quyết…”.

Ông Đinh Châu Lan bức xúc phản ánh chính quyền làm việc tắc trách ảnh hưởng đến quyền lợi người dân vùng lũ

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các hộ dân, nhiều người không nằm trong vùng đối tượng thiệt hại cần được hỗ trợ vẫn có tên trong danh sách được hỗ trợ. Thậm chí, trong 1 vùng, tất cả các hộ dân đều bị thiệt hại như nhau nhưng người được hỗ trợ, người lại không có.

"Việc này gây bức xúc, mâu thuẫn mất hết tình đoàn kết xóm làng. Chúng tôi không phải đòi hỏi gì, nhưng phải làm cho đến nơi để đòi lại công bằng thôi...", ông Lê Minh Chánh (63 tuổi, ngụ đội 2, thôn Bình Lâm) trình bày.

Ông Chánh phản ánh thêm: “Việc này do sự chồng, chéo giữa xã và thôn chứ không riêng gì thôn. Người dân chúng tôi muốn có 1 cuộc họp giải quyết cho ổn thỏa, tìm lại sự công bằng, người nào sai phải chịu trách nhiệm kỷ luật cho thôi việc”.

Trưởng thôn kêu "khó", xin nghỉ…

Trả lời về vụ việc trên, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng thôn Bình Lâm lý giải: Tại thôn Bình Lâm có 700 hộ, tuy vậy đợt lũ năm 2016 có 650 hộ kê khai đề nghị được hỗ trợ. Sau khi nhận được kê khai, thôn đã gửi lên cấp trên. Nhưng do kê khai kê thiệt hại quá lớn, yêu cầu địa phương kiểm tra, rà soát lại. Sau đó, xã thành lập đoàn cùng với thôn kiểm tra, rà soát lại 2 lần đã loại bớt, chỉ kê 131 hộ đủ điều kiện.

"Việc kê khai, thôn cũng lập riêng 1 ban Quân dân chính thôn để làm việc. Tôi đã tuyên bố, không một người nào trong ban được kê khai gì hết vì sau này rất phức tạp", ông Việt nói.

Liên quan đến nghi vấn, vợ trưởng thôn Bình Lâm là bà Lê Thị Ngưu có nằm trong danh sách hỗ trợ và nhận 28 triệu đồng, ông Việt khẳng định, không có việc này.

"Người ta vu khống cho gia đình tôi. Gia đình tôi, vợ và người thân không hề có kê khai gì để nhận hỗ trợ. Không có chuyện chúng tôi lợi dụng để hưởng lợi lộc gì. Những ngày qua, tôi quá mệt mỏi nên rất muốn nộp đơn xin nghỉ việc”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết hầu hết ý kiến bức xúc của người dân đều muốn cho 2 ông trưởng thôn, thú y thôn nghỉ việc vì làm không đúng, không mang lại lợi ích cho dân.

"Trước đó, trưởng thôn Bình Lâm cũng đã lên xã muốn xin nghỉ việc vì sợ mất lòng xóm làng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa đồng ý vì không tìm được ai thay thế”, ông Nhâm cho hay.

Sẽ rà soát quy trình, xử lý nếu làm sai

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, qua xem xét lại quy trình, hồ sơ kê khai nhận thấy có 2 hộ không đủ điều kiện nhưng vẫn nằm trong danh sách và đã nhận tiền hỗ trợ.

“Trước đó, sau khi thành lập đoàn kiểm tra thực tế lại, chúng tôi liệt kê được 104 hộ nằm trong diện được hưởng. Sau khi công khai danh sách thì có 95 hộ khiếu nại. Tiếp tục rà soát, kiểm tra lại thì chúng tôi công nhận thêm 35/95 hộ khiếu nại đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ. Tuy nhiên, tiếp tục xem xét chúng tôi thấy có 8 người trong danh sách 104 người đầu tiên kê khai thiếu trung thực, đúng như phản ánh của người dân nên đã loại tiếp”, ông Nhâm thông tin.

Ông Nhâm cho biết thêm: “Thực tế, quy trình làm việc của thôn là đúng, nhưng xác định cụ thể nên chưa chính xác. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành họp dân để giải quyết những bức xúc của người dân. Cùng với đó, chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình làm danh sách, xem dân bức xúc như thế là đúng hay sai. Sau đó, chúng tôi mời cả trưởng thôn, thú y thôn lên để họp dân công khai. Nếu dân phản ánh đúng thì mình xem xét để có cách xử lý tiếp theo…”.

Ngoài ra, ông Nhâm khẳng định, vợ và con trai ông Nguyễn Quốc Việt - Trưởng thôn Bình Lâm, không nằm trong danh sách được hỗ trợ như đồn thổi.

Trận lũ năm 2016, xã Phước Hòa được Trung ương hỗ trợ 8,2 tỷ để khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Theo đó, tại thôn Bình Lâm, có 131 hộ được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do gà, vịt, heo… bị lũ cuốn trôi, chết. Hiện còn khoảng 40 người dân vẫn đang khiếu kiện và cho rằng họ cũng nằm trong diện thiệt hại, nhưng lại không được hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục