Lúng túng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Liên tiếp các vụ tai nạn nghi có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua. Gần nhất là vụ 3 du khách nhập viện sau khi ăn khuya, hậu quả là 2 người tử vong.
Khó đảm bảo ATVSTP bởi lực lượng kiểm tra chủ yếu bằng mắt thường
Khó đảm bảo ATVSTP bởi lực lượng kiểm tra chủ yếu bằng mắt thường

 Dù vụ việc vẫn đang chờ các cơ quan chuyên môn điều tra, kết luận cuối cùng, tuy nhiên vấn đề quản lý chất lượng ATVSTP một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động.

Tử vong sau khi ăn khuya

Qua 1 tuần điều trị tích cực, anh Đặng Ngọc Vạn (Nghệ An), nạn nhân trong vụ 3 du khách tử vong khi đi du lịch tại Đà Nẵng (ngày 16-9) đã hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên, nỗi đau mất vợ con khó nguôi ngoai. Theo lời anh Vạn, trước khi sự việc xảy ra, ngày 15-9, vợ chồng anh cùng đoàn đã đi tham quan Hội An. Tại đây, gia đình anh ăn cơm gà rồi quay về khách sạn trên đường Hồ Nghinh (Đà Nẵng). Khuya cùng ngày, vợ chồng anh Vạn tách đoàn dạo chơi và đi ăn mì Quảng, khi trở về khách sạn thì đau đớn dữ dội. Sáng 16-9, gia đình anh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ do nghi ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, con trai 3 tuổi của anh đã tử vong trên đường đến bệnh viện, sau đó vợ anh cũng tử vong, còn anh Vạn trong tình trạng nguy kịch. Nghi án về ngộ độc thức ăn khiến nhiều người lo lắng.

Du khách ngộ độc thức ăn không phải là câu chuyện mới ở Đà Nẵng. Thống kê cho thấy, năm 2017, trên địa bàn thành phố đã diễn ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến ATVSTP. Điển hình, vụ 9 du khách trong đoàn 50 người từ tỉnh Quảng Ninh du lịch Đà Nẵng bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại một nhà hàng ở Đà Nẵng (tháng 9-2017). Hậu quả, nhiều người bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện. Đặc biệt, trước đó, cuối tháng 7-2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cũng đã tiếp nhận 46 bệnh nhân là du khách đến từ Lào, nhập viện với biểu hiện ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, đau đầu, sốt, nôn ói... sau khi ăn uống tại một nhà hàng trên địa bàn Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 46 người đều ngộ độc thức ăn, có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn. Đây là nguyên nhân rất dễ xảy ra nếu như các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống lơ là trong việc đảm bảo ATVSTP trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn bị nhiễm độc từ chính việc sử dụng các thực phẩm không an toàn do còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Dù vậy, cốt lõi nhất là kiểm tra chất lượng ATVSTP tại nguồn là vấn đề đáng lo ngại.
 “Tháng 8-2017 Sở Y tế đã công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ATVSTP, kể từ đó đến nay, số cuộc gọi về đường dây nóng phản ánh chất lượng ATVSTP tăng lên khá nhiều, điều đó chứng tỏ vấn đề này vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại”, ông Hồng nhìn nhận.

Nguy cơ tiềm ẩn 

Có thể khẳng định, kiểm soát, quản lý ATVSTP không hề đơn giản, nhất là kiểm soát việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi hay chất phụ gia có thành phần không cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm… làm tăng nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định; nhiều loại thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường không qua kiểm duyệt của cơ quan thú y. Chưa kể, ngày càng có nhiều thực phẩm ở nước ngoài và ngoại tỉnh nhập khiến cho công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, lực lượng kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm tại các chợ rất ít, chủ yếu là kiêm nhiệm, kiểm tra chủ yếu bằng mắt thường, test nhanh. Còn ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, thừa nhận, bên cạnh nguồn nhân lực còn thiếu và yếu thì việc kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về thực phẩm thời gian qua cũng chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, các dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm ngày càng nở rộ tràn lan. Nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc để chế biến, nấu nướng chưa tuân thủ theo đúng quy định... dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, hiện 3 lĩnh vực chính liên quan trực tiếp đến chất lượng ATVSTP chính là dịch vụ ăn uống; sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh thực phẩm. Đây là loại hình dịch vụ nhiều và phức tạp, thường là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 27.000 cơ sở đang được quản lý. “Vụ nghi ngộ độc khiến 2 mẹ con du khách bị tử vong mới đây, dù chưa có kết quả khẳng định là bị ngộ độc thực phẩm hay nhiễm độc, việc này phải chờ kết quả kết luận điều tra cuối cùng. Tuy nhiên, điều đó khiến chúng tôi cũng cảnh giác hơn với việc đảm bảo ATVSTP. Còn trong tai nạn trên, nếu nạn nhân thực sự bị ngộ độc thực phẩm thì sau khi có kết quả kết luận chính thức, chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết để không làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cũng như môi trường du lịch của thành phố”, ông Nguyễn Tấn Hải quả quyết.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, các cấp, ngành liên quan của TP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra 11.982 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Kết quả, xử phạt hành chính 409 cơ sở vi phạm liên quan đến ATVSTP với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng; lấy 76 mẫu thực phẩm tại 8 cơ sở gia súc, gia cầm, kết quả có 22 mẫu không đạt yêu cầu. Riêng các quận, huyện, xã, qua kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm 9.907/27.417 cơ sở đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính gần 190 cơ sở với số tiền phạt gần 280 triệu đồng

Tin cùng chuyên mục