M&A lĩnh vực ngân hàng: Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu trên 30% vốn

Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) ở lĩnh vực tài chính ngân hàng được đánh giá có sức hấp dẫn lớn, xếp vị trí thứ 2 toàn cầu trong năm 2012. Khu vực ASEAN đang là khu vực nóng nhất của M&A ngành dịch vụ tài chính, năm 2012 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tăng trưởng đến 70% so với năm 2011. Trong khi đó, mức tăng của toàn cầu chỉ khoảng 4%. Tại Việt Nam, trong 5 tỷ USD giá trị các thương vụ M&A đạt được trong năm 2012, lĩnh vực ngân hàng có 6 thương vụ, với trị giá 392 triệu USD.
M&A lĩnh vực ngân hàng: Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu trên 30% vốn

Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) ở lĩnh vực tài chính ngân hàng được đánh giá có sức hấp dẫn lớn, xếp vị trí thứ 2 toàn cầu trong năm 2012. Khu vực ASEAN đang là khu vực nóng nhất của M&A ngành dịch vụ tài chính, năm 2012 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tăng trưởng đến 70% so với năm 2011. Trong khi đó, mức tăng của toàn cầu chỉ khoảng 4%. Tại Việt Nam, trong 5 tỷ USD giá trị các thương vụ M&A đạt được trong năm 2012, lĩnh vực ngân hàng có 6 thương vụ, với trị giá 392 triệu USD.

        Tái cơ cấu: M&A ngân hàng sôi động

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện có 47 ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 30 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 2 tổ chức tài chính vi mô và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân gồm 1 quỹ trung ương và 1.122 quỹ cơ sở. Với một hệ thống phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình như vậy nhưng quy mô còn nhỏ, dịch vụ cung ứng còn hạn chế… Các ngân hàng thương mại đóng vai trò chủ đạo, với thị phần chiếm hơn 90% tổng tài sản nhưng vẫn còn yếu kém về năng lực tài chính, quản trị điều hành, sẽ dễ bị tổn thương trước các cú sốc đến từ nền kinh tế và thế giới. Vì vậy, việc sáp nhập các ngân hàng, hạn chế các ngân hàng yếu kém là một xu thế tất yếu mà NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Gởi tiết kiệm tại Agribank - Chi nhánh Lý Thường Kiệt, quận 10 TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Gởi tiết kiệm tại Agribank - Chi nhánh Lý Thường Kiệt, quận 10 TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN đánh giá, việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng không còn mới ở Việt Nam, trước đây các ngân hàng Việt - Hoa, Đại Dương… đã làm rất tốt, không tốn kém của Nhà nước một đồng vốn nào. Trong thời gian tới, lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra sôi động hơn, hướng vào các ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là ngân hàng yếu kém.

Trong năm 2012 - 2013 hoạt động M&A ở các lĩnh vực tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi nổi và ở lĩnh vực ngân hàng đã có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và thương vụ cao nhất là Vietinbank. Hiện có 13 ngân hàng có cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và nhìn chung 13 ngân hàng này lại không nằm trong những ngân hàng yếu kém. Nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai tái cơ cấu hiện nay chậm. Về vấn đề này ông Đào Minh Tú khẳng định, toàn bộ tiến trình thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đang thực hiện đúng lộ trình, ở tốc độ nhanh, vì so với các ngành khác, hiện hành lang pháp lý, lộ trình cho tái cơ cấu các ngân hàng hiện rất rõ ràng, hướng dẫn cụ thể điều kiện tham gia.

        “Mở” khung pháp lý để thu hút nhà đầu tư

Tham dự Diễn đàn M&A Việt Nam 2013 vừa diễn ra tại TPHCM, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, cho rằng 2 ngân hàng xấu sáp nhập thành 1 ngân hàng lớn xấu hơn thì không thể, điều quan trọng là giá trị phải có sự thay đổi sau khi sáp nhập. Cơ quan quản lý phải có cách, tạo ra cơ cấu để ngân hàng yếu tốt hơn, thay đổi động cơ và gia tăng giá trị cho cổ đông. Việc sở hữu chéo giữa ngân hàng này với ngân hàng kia quá phức tạp, cần sớm loại bỏ vì cổ đông phải sở hữu trực tiếp ngân hàng mình đầu tư vào. Trên thực tế, một ngân hàng yếu không phải vì ít vốn mà là do cơ cấu sở hữu.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN), cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có cơ chế khuyến khích để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vì nó còn liên quan đến quyền lợi của ngân hàng, cổ đông. Và hiện nay, chúng ta cũng thiếu nguồn lực tài chính công nên việc hỗ trợ còn hạn chế. Việc tìm được đối tác có tiềm lực tham gia vào tái cơ cấu không thể nhanh được.

Tuy nhiên, khung pháp lý hiện cũng đã “mở”, Nghị định 69/2007/CP sửa đổi đang mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trước đây, luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 15%, sau tăng lên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Và hiện nay, trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ có thể xem xét, cho phép nhà đầu tư mua trên 30% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở của nghị định này, trong thời gian qua nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam cũng đã tìm được các nhà đầu tư cho mình. Các ngân hàng trong nước cũng đánh giá tích cực về vấn đề này, nếu tăng tỷ lệ sở hữu vốn thì chắc chắn sẽ khuyến khích và thu hút nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

HÀ NHAI

Tin cùng chuyên mục