Mai một nghệ thuật truyền thống: Đầu tư từ con người

David Wang, một du khách người Anh gốc Trung Quốc, hỏi Ngọc Thương - hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM: “Đất nước bạn có gì để thu hút du khách?”. Sau khi giới thiệu về cảnh đẹp, con người thân thiện, món ăn ngon… Thương bất ngờ khi bị David cắt ngang: “Tôi thích xem múa rối nước, hãy đưa tôi tới đó”. 
Âm sắc Hương Bình, chương trình nghệ thuật tôn vinh 37 nghệ nhân sống trọn đời cho ca Huế. Ảnh: VĂN THẮNG
Âm sắc Hương Bình, chương trình nghệ thuật tôn vinh 37 nghệ nhân sống trọn đời cho ca Huế. Ảnh: VĂN THẮNG

Du lịch di sản

Không chỉ David, nhiều du khách khi đến thăm Việt Nam ngoài muốn được ăn ngon, ngắm cảnh đẹp mà còn muốn được trải nghiệm các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Đặc sắc, nhưng chưa được khai thác hiệu quả; và một trong những nguyên nhân chính là thiếu tính quảng bá, liên kết, “chào hàng” giữa những người làm nghệ thuật với các doanh nghiệp du lịch lữ hành” - đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi nói về việc làm du lịch chưa gắn liền với nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. 

Nhìn sang nhiều nước láng giềng, việc quảng bá du lịch thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc đã được triển khai từ lâu, giúp gia tăng lượng khách cũng như doanh thu “khủng” cho ngành du lịch. Để giúp khách thư giãn, tại hầu hết các nhà hàng, khách sạn lớn ở TPHCM đều có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách quốc tế.

Ngoài ra, một vài show diễn dành cho du khách trong nước và quốc tế như À ố show, Làng tôi, các tiết mục múa rối nước, gần đây có Đêm hoa lệ (tái hiện dấu ấn về Sài Gòn - Chợ Lớn xưa) thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Một vài nghệ sĩ cũng tự mở những show diễn nho nhỏ tại tư gia để trình diễn các loại hình âm nhạc dân tộc phục vụ du khách, như TrucMai House (đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh), của vợ chồng NSƯT Đinh Linh - Tuyết Mai... 

Theo chuyên viên tư vấn du lịch Dương Thị Thu Thủy, chúng ta vẫn thiếu show có các trích đoạn đủ tạo dấu ấn, khiến du khách tìm đến. Chưa kể, nếu phục vụ cho đối tượng khách nước ngoài thì cần lưu ý đến việc “phá” bớt các rào cản về ngôn ngữ, tăng tính sáng tạo (dùng ngôn ngữ âm nhạc, biểu diễn xiếc, công nghệ…) để khách có thể cảm nhận được về văn hóa, làng quê, con người Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Về điều này thì Miso show (Hàn Quốc), Siam Niramit show (Thái Lan), Tống Thành thiên cổ tình (Trung Quốc)… đã và đang làm rất tốt. 

“Tôi cho rằng, ngành du lịch cũng nên nhanh nhạy, bắt kịp thời buổi công nghệ 4.0 để tăng tốc giúp du lịch bứt phá. Bởi hiệu quả mà công nghệ mang lại thường rất lớn. Chưa kể, giới trẻ ngày nay cũng không ngừng sáng tạo và thưởng thức các tác phẩm công nghệ dạng này. Ví dụ nhóm nhảy đèn Led 218 của Việt Nam thi Asia’s Got Talent vừa qua là minh chứng sống động cho việc quảng bá loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam theo phong cách hiện đại”, bà Dương Thị Thu Thủy nói.

Còn ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch TST Tourist bổ sung rằng, hiện nay chưa có cái bắt tay hiệu quả giữa các hãng lữ hành với những người làm các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc... 

Sự tham gia của cả cộng đồng 

“Yêu cầu cải lương có doanh thu lớn là vô cùng khó. Chỉ việc gìn giữ giá trị của nó thôi đã là khó lắm rồi”, NSND Trần Ngọc Giàu trăn trở khi nói đến việc đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vậy “gìn giữ giá trị” như thế nào là vừa đủ?

NSND Trần Ngọc Giàu lý giải: “Hoạt động nghệ thuật phải tuân theo quy luật của nó. Sân khấu tồn tại trên cơ sở là công chúng, chứ không thể chủ quan là cải lương, tuồng hay chèo là vốn quý rồi cố gìn giữ… Khi công chúng có những thay đổi về nhu cầu giải trí, thưởng thức thì mình không thể nào phát triển cải lương, tuồng chèo để đáp ứng thị hiếu công chúng được. Chỉ có điều, khi đã xác định đây là di sản văn hóa dân tộc thì phải có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn, giới thiệu, phân tích cái hay cái đẹp ở đâu để người ta có thể tự hào với văn hóa đó”. 

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang gấp rút tổ chức sưu tầm, tập hợp tài liệu các bài ca Huế cổ, tổ chức các hội đồng thẩm định để nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương. Đặc biệt, là vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân có công gìn giữ, biểu diễn và truyền bá ca Huế, nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo của đất cố đô Huế. Cần có kế hoạch ghi hình, thu tiếng các bài bản lớn của các nghệ nhân đàn, ca Huế lão thành đang ngày một mỏng dần do lớn tuổi. Và đó cũng là một cách làm cần thiết cho tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện chúng ta đang lúng túng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc. Cần phải giới thiệu những bản cải lương, sử thi, tuồng chèo gốc, nguyên bản, từ đó gìn giữ như những mô hình mẫu; như với hát bội có sự phân tích, giới thiệu về trình thức, động tác, hóa trang… giúp người xem hiểu thêm về các loại hình này. NSND Trần Ngọc Giàu nói: Nhà nước phải có phương án mang tính chiến lược, phải giữ nghệ thuật truyền thống đúng nguyên gốc, được truyền từ thế hệ này tiếp nối đến thế hệ khác; phải gìn giữ di sản này bằng cách hợp đồng với nghệ sĩ, đào tạo nghệ sĩ và có những chế độ, chính sách để họ giữ nghề. Đừng nghĩ rằng đang nuôi nghệ thuật truyền thống và những người này đang được bao cấp. Quan điểm như thế không sòng phẳng. Phải quan niệm đây là di sản và tác giả, đạo diễn, diễn viên, kể cả công nhân đang làm công việc gìn giữ di sản đó. Như vậy cần phải trả lương tương xứng… 

Một vấn đề đặt ra khi nói tới sự tồn tại các loại hình nghệ thuật truyền thống chính là đầu tư cho con người. Những người đang tiếp nối nghề truyền thống cải lương, tuồng, chèo là ai? Chính sách cho đi học như thế nào? Không phải chỉ là chuyện miễn học phí mà khi họ thành nghề có được hoạt động nghề không?... 

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay: “Việc đưa ca Huế vào giảng dạy trong các trường học cũng là một giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho ca Huế”. Trong khi đó, để bảo tồn sử thi, ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho rằng cần đưa sử thi vào trường học, giảng dạy cho học sinh để lớp trẻ hiểu biết sử thi cha ông mình. Tương tự, theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua đã tổ chức mở nhiều lớp tìm hiểu, dạy đờn ca tài tử cho học sinh và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em.

Tin cùng chuyên mục