Mai một nghệ thuật truyền thống: Khoảng trống truyền nghề

Làng Kon Klor2 (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là cái nôi sản sinh những nghệ nhân hát kể sử thi bên dòng sông Đắk Bla huyền thoại. Tuy nhiên, ngôi làng chỉ còn duy nhất mỗi già A Lưu (75 tuổi) là biết kể. 
Khi chúng tôi tìm đến nhà, già A Lưu cứ nghĩ là người đến học hát kể sử thi nên rất mừng. Nhưng khi biết không phải, già A Lưu thất vọng: “Thế mà già cứ tưởng sẽ được dạy hát kể sử thi chứ”.
Hát kể sử thi có còn mấy người…
Già A Lưu nói hát kể sử thi là vốn quý văn hóa của người Ba Na. Thời xa xưa, khi làng chưa có điện, hình thức giải trí duy nhất, thịnh hành chính là hát kể sử thi. Hàng ngày, người dân kéo nhau lên rẫy, tối về nhà rông hát kể sử thi cho nhau nghe. A Lưu học sử thi trên rẫy, trong các buổi tụ tập ở nhà rông. Đến năm 10 tuổi, A Lưu đã biết kể sử thi. Hiện già A Lưu thuộc hàng trăm bài sử thi Ba Na.
“Thời của già nhiều người biết kể, đếm mãi chẳng hết. Còn bây giờ, họ chết hết, chỉ còn già. Già rất lo bởi lớp trẻ bây giờ không mặn mà học, khi già chết thì hát kể sử thi sẽ thất truyền”, già A Lưu nói.
Sử thi Tây Nguyên là thể loại tự sự dân gian truyền miệng vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của nhiều nghệ nhân đồng bào dân tộc Tây Nguyên và thường được diễn xướng (hát) trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Nhưng hiện nay, người hát sử thi Tây Nguyên còn lại rất ít và hầu hết đang gần đất, xa trời. 
Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có 3 cộng đồng dân tộc thiểu số có lối hát kể sử thi, là dân tộc Xơ Đăng, Ba Na và Jrai. Dân tộc Xơ Đăng còn 3 nghệ nhân biết hát kể sử thi; Ba Na-18 nghệ nhân; Jrai-3 nghệ nhân. Đa số các nghệ nhân là nam giới, lớn tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút. 
Nguy cơ mai một hát kể sử thi còn đến từ sự thay đổi thói quen sinh hoạt của cộng đồng dân tộc thiểu số. Trước đây, những lúc chiều tối, mọi người thường tập trung tại nhà rông hoặc tìm đến nhà của người biết hát kể sử thi hay thậm chí mời người biết hát đến nhà mình để hát kể cho con cháu nghe. Từ những buổi nghe hát đó, những người đam mê sẽ tự học hỏi, ghi nhớ từng cốt truyện rồi dần dần thành thạo như bậc cha chú. Nhưng hiện nay, lớp trẻ chủ yếu xem phim trên truyền hình, tập trung ở nơi có âm nhạc, hội hè… nên ít có người còn nghe và biết đến sử thi.
Sở VH-TT-DL Gia Lai cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 nghệ nhân hát kể sử thi, đều đã trên 60 tuổi và không được trả lương. So với 10 năm trước đây, số lượng nghệ nhân hát kể sử thi hiện đã giảm rất nhiều. Hát kể sử thi đã bị mai một bởi cả lý do khách quan và chủ quan. Đó là môi trường sống đã thay đổi cùng với sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa mới khiến lớp trẻ không hiểu, không thích nghe hát kể sử thi. Truyền dạy hát kể sử thi vẫn được thực hiện theo hình thức dân gian truyền miệng. Việc này gặp nhiều khó khăn như người dạy đã già yếu, không nhớ hết nội dung và không đủ sức khỏe để hát kể và không có nhiều người thích, muốn học. 
Lèo tèo lớp kế cận
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã nhiều năm nay, nhà hát không thể tuyển được các diễn viên, nhạc công trẻ bởi ngay từ “đầu vào” tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã vô cùng khan hiếm thí sinh theo học. Không riêng gì tuồng, mà chèo, cải lương, kịch hát dân tộc… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù nhiều năm qua, Nhà nước đã ưu đãi giảm 70% học phí cho sinh viên theo học ngành sân khấu truyền thống, hàng tháng còn có thêm tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác nhưng số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc vẫn tiếp tục giảm. 
Mai một nghệ thuật truyền thống: Khoảng trống truyền nghề ảnh 1 Hiện không nhiều người trẻ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Có năm, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đặt chỉ tiêu tuyển sinh 45 diễn viên sân khấu kịch hát, nhưng chỉ tuyển được 15 diễn viên chèo, 11 diễn viên cải lương, 8 diễn viên múa rối; nhạc công sân khấu kịch hát đặt 15 chỉ tiêu, nhưng chỉ 8 thí sinh trúng tuyển; ngành đạo diễn sân khấu cũng chỉ tuyển được 7 so với chỉ tiêu là 12 thí sinh…
Hiện trạng này dẫn đến chất lượng đầu vào của sân khấu truyền thống không thể bảo đảm. Đó cũng là nguyên nhân khiến lực lượng kế cận của sân khấu vốn đã thiếu lại còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ.
“Cực chẳng đã, chúng tôi đã xin dự án đào tạo tuyển sinh cho riêng mình. Khóa đào tạo liên kết giữa nhà hát và trường sắp cho ra lò 32 em, trong đó có 22 diễn viên và 10 nhạc công. Không so sánh chất lượng với các thế hệ trước, nhưng tại thời điểm này, các em vẫn theo đuổi, chịu khó rèn luyện và làm nghề đã là đáng mừng”, ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay.
Để có được 32 học viên này, nhà hát phải đi tuyển ở hơn 10 tỉnh, thành. Bên cạnh việc đưa ra tiêu chí để tuyển, phải kèm theo rất nhiều ưu ái như hỗ trợ học phí, tạo điều kiện chỗ ăn, ở, được đào tạo trực tiếp bởi các nghệ sĩ trong nhà hát... 
Nhiều năm qua, nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tuyển sinh đào tạo, để bổ sung đội ngũ diễn viên. Tuy nhiên, do quy định về biên chế, nhà hát không thể tiếp tục duy trì công tác đào tạo khi không thể nhận các học viên vào làm. Học viên cũng không muốn tham gia khóa học khi nhìn thấy tương lai mịt mờ sau khi được đào tạo. 
Tuồng khó đào tạo bởi diễn viên không chỉ có chất giọng phù hợp mà còn phải luyện vũ đạo, mồ hôi và nước mắt thấm ướt sàn tập, mà không phải thành nghề là có khán giả, là có tiền. Vì thế học viên cũng rơi rụng mỗi năm… Nhưng ngay với ca trù, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn quanh câu chuyện truyền dạy và bảo tồn. Ca nương Bạch Vân từng nhiều lần giãi bày về các sự “khó lắm” trong truyền dạy.
Như thời chị theo các cụ Nguyễn Thị Chúc, Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức để học hát, có khi 4 năm, chị chỉ học đúng 4 câu hát, học chát (trống chầu) mất hơn 3 tháng. Song từng đó thời gian chưa thấm vào đâu khi có người đã từng luyện 10 năm mới học được chất “ứ hự” của các cụ. Nay tiêu chí chọn học trò cũng không còn quá khắt khe như trước, chị cũng đã từng dạy 10 em nhưng cũng chỉ chọn được 1 người để đào tạo chuyên sâu bởi ca trù không chỉ đòi hỏi hát phải đúng âm luật, thể cách mà đào nương còn phải biết vừa đàn vừa hát nhuần nhị...
Theo chị Thu Thủy, Phó phòng Di sản, Sở VH-TT Hà Nội, ca trù tồn tại trong trí nhớ và được lưu truyền thông qua truyền miệng, nên rất dễ mai một, ví dụ như một số từ trong các bài cổ bị hát sai lệch, nếu người truyền dạy không tỉ mỉ uốn nắn sẽ sai lệch mãi mãi. Trong khi đó, kép đàn, trống chầu quá ít người theo học mà học lại khó thành tài.
Khó vậy nên nhiều chiếu ca trù diễn định kỳ cũng không còn hoạt động đều đặn nữa mà chỉ đỏ đèn khi có đoàn đặt. Do điều kiện kinh tế không cho phép, nhu cầu xã hội giảm dẫn đến tình trạng một số câu lạc bộ hoạt động đã không còn thực sự hiệu quả, quy mô hạn chế như CLB ca trù Cầu Đơ, Yên Nghĩa (quận Hà Đông); Trung tâm UNESCO Ca trù (quận Ba Đình). Nhóm ca trù của nghệ nhân, NSƯT Phó Thị Kim Đức hiện nay cũng chỉ truyền dạy và sinh hoạt mang tính chất phạm vi nội bộ gia đình.

Tin cùng chuyên mục