Mai một nghệ thuật truyền thống: Loay hoay di sản

LTS: Trong cơn lốc hội nhập, khi các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn đã chật vật để giữ nghề thì việc nhà hát không có nhà để hát, để làm nghề, hay câu chuyện các nghệ sĩ lấy phụ nuôi chính, cũng không phải lạ. Chuyện “biết rồi khổ lắm bàn mãi” này được lôi ra bàn ở hết hội thảo này đến tọa đàm khác, nhưng rồi nghệ thuật truyền thống vẫn cứ lao đao, sống còn khó, nói gì đến phát huy?
Đến sinh hoạt cùng CLB Đờn ca tài tử xã Phong Thanh Tây A (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), chúng tôi thấy ai cũng móc túi làm “thủ tục đầu tiên” là đóng quỹ 530.000 đồng. Hỏi thăm mới hay, 30.000 đồng là mua bánh trái, đồ nhắm để nhậu cho thấm giọng, ca cho mùi; 500.000 đồng góp quỹ. Hàng tháng, thành viên CLB có khó ngặt thì xuất quỹ cho mượn. Cứ thế, các loại hình di sản đang loay hoay ở thôn xóm, huyện lỵ tìm cách tồn tại cùng thời cuộc.    
Đờn ca đúng chất tài tử
Đã 7 năm nay, cứ vào ngày 13 âm lịch hàng tháng, CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT) xã Phong Thanh Tây A tập hợp để sinh hoạt, giao lưu. CLB có hơn 30 người, nếu sinh hoạt vào những tháng nông nhàn thì thành viên đi đông đủ, còn nếu rơi vào lúc đồng áng, vụ mùa, số lượng ít hơn, nhưng mỗi lần sinh hoạt cũng không dưới 20 thành viên. 
Trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt, các tay đàn, phụ trách âm thanh dạo thử “mấy ngón đàn” sao cho phù hợp. Sau khi phần thủ tục, đồ nhắm và âm thanh đã sẵn sàng, chương trình văn nghệ cũng bắt đầu.
Mai một nghệ thuật truyền thống: Loay hoay di sản ảnh 1 Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: NGỌC CHÁNH
Tại CLB, dù quy mô cấp xã nhưng có nhiều tay đàn và giọng ca chẳng thua kém CLB hàng đầu của tỉnh. Thông thường phụ trách đàn chính vẫn là ông Năm Tận - đàn tranh, Út Hảo - đàn guitar, Sáu Minh - đàn sến; còn các tay ca thì rất phong phú, với các gương mặt: Ngọc Diệu, Kim Đồng, Thanh Tòng, Mai Kiệt…
Ngoài 20 bài Tổ mà bất cứ thành viên nào cũng phải thuộc, các tay ca cũng tập dượt thêm bài mới, lời mới sao cho phong phú. 
Chương trình văn nghệ diễn ra rất tự nhiên, với sự tham gia của cả dân địa phương “máu” vọng cổ, cải lương. Đến khoảng 22 giờ, hết mồi, hết rượu, cũng hết đờn.
Nghe anh em í ới hẹn nhau lần gặp sau ở một đám tiệc, mới hay để kiếm sống và nuôi dưỡng đam mê, các thành viên cũng phục vụ văn nghệ tại các đám cưới, hỏi, mừng tân gia, khai trương… ở quanh vùng. Tiền công chẳng là bao, nhưng được ngồi với nhau và quan trọng là có khán giả thưởng thức, đủ vui rồi!
Bạc Liêu là một trong những cái nôi của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; là nơi khai sinh bản Dạ cổ hoài lang bất hủ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu; là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ tài danh như: nghệ nhân Nhạc Khị (người có công sưu tầm và hiệu đính 20 bài bản Tổ và được suy tôn là hậu tổ cổ nhạc), Năm Nghĩa, Lý Khi, Trọng Nguyễn, Yên Lang...
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có hơn 150 CLB ĐCTT với gần 2.000 thành viên. Bạc Liêu cũng có 15 Nghệ nhân ưu tú. Mặc dù số lượng CLB ĐCTT tương đối lớn, nhưng việc duy trì hoạt động thường xuyên không phải CLB nào cũng làm được. Có CLB tồn tại trên danh nghĩa, rất ít sinh hoạt, âm thanh thiếu thốn. để tồn tại được như ở xã Phong Thanh Tây A, không phải chuyện dễ. 
Nhã nhạc cung đình… chỉ để làm sang 
Màn đêm buông xuống, chúng tôi đến bến thuyền du lịch Tòa Khâm (TP Huế), mua vé xuống thuyền thưởng thức trình diễn ca Huế. Khách đã ngồi kín khoang, thuyền rời bến ngược dòng sông Hương về hướng chùa Thiên Mụ. Rồi thuyền tắt máy, thả trôi theo dòng Hương thơ mộng. 
Mở đầu chương trình là các khúc nhã nhạc cung đình vang lên, tiếp đến là các làn điệu dân gian Lý Mười Thương, Lý Giao Duyên... Ca Huế trên sông Hương vốn là hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, tạo ra sự huyền diệu giữa con người, âm nhạc với sông nước và cảnh vật của dòng Hương thơ mộng.
Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, với thời lượng hạn chế trong một suất diễn trên thuyền rồng, khó có thể chuyển tải hết những tinh túy của ca nhạc truyền thống Huế với khoảng 80 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã nhạc cung đình Huế.
Mai một nghệ thuật truyền thống: Loay hoay di sản ảnh 2 Biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Ảnh: VĂN THẮNG
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ rõ, chiếc thuyền được gọi là “thuyền rồng” hiện nay không phải là không gian lý tưởng cho ca Huế, do đó cần điều chỉnh.
Việc trình diễn được đẩy nhanh tốc độ, đến mức xa lạ với đặc trưng của ca Huế, dẫn đến phá nát sự trang trọng, tinh tế vốn có. Nhạc công ca Huế chỉ được học qua loa, chủ yếu để đối phó, chỉ biết tấu vài bài để qua mặt, được cơ quan chức năng cấp phép. Dàn nhạc vừa mỏng, vừa thiếu... 
Tương tự, nhà thiết kế Viết Bảo, khởi xướng và tổ chức chương trình Về miền hương ngự vào ngày 25 hàng tháng nhằm tôn vinh ca Huế thính phòng, trải lòng: “Sinh ra từ chốn cung đình, ca Huế mang nét phong lưu, quý phái.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, không gian biểu diễn ca Huế nay là bục sân khấu, phông màn, đèn chiếu và các hàng ghế khán giả. Diễn viên ca Huế có một khoảng cách nhất định với khán giả nên khó có sự giao lưu qua lại mật thiết như xưa. Đặc biệt, hình thức biểu diễn ca Huế trên sông Hương thường ngày ít chú ý đến tính nghệ thuật, mà thiên về kinh doanh”. 
Cũng dễ hiểu, du khách trả tiền để xem biểu diễn ca Huế. Diễn viên phải biểu diễn phục vụ cho nhiều loại khán thính giả khác nhau, mà ít khi là khách tri âm. Điều này khiến sự giao lưu chỉ diễn ra có một chiều: diễn viên đàn, hát, khán giả ngồi nghe. Chúng tôi quay qua nhìn một nhóm du khách trẻ tuổi đang ngáp dài ngao ngán, người nhìn xa xa, kẻ vọc điện thoại… Dường như việc “đến Huế phải nghe nhã nhạc trên sông Hương” chỉ để làm sang, bởi không phải ai cũng thẩm thấu loại hình âm nhạc này. Cũng may là họ còn mua vé, xuống thuyền…   
Cồng chiêng đang mất dần…
Làng Jút 1, xã Ia Der (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có nghệ nhân Rơ Châm Tyh - một trong những người hiếm hoi tự nguyện dạy cồng chiêng miễn phí cho lớp trẻ. Những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân Tyh xuống làng vận động, tuyển chọn những thanh thiếu niên đam mê, rồi tự truyền dạy đánh cồng chiêng. Đến nay nghệ nhân Rơ Châm Tyh đã truyền dạy khoảng 10 em với độ tuổi 15 - 20. 
“Mỗi lần đi vận động rất mệt, vì lớp trẻ bây giờ không mặn mà học đánh cồng chiêng. Các cháu mỗi hoàn cảnh nên việc tập hợp rất khó. Phải kiên trì mới duy trì được. Việc dạy rất vất vả nhưng mình thấy văn hóa cồng chiêng bị mai một, sợ mình chết đi sẽ thất truyền nên tự nguyện dạy để có người tiếp nối văn hóa của cha ông”, nghệ nhân Rơ Châm Tyh nói.  
Ông Lê Xuân Thái, cán bộ phòng VH-TT huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cho biết thời xa xưa, cồng chiêng gắn xuyên suốt trong các hoạt động liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của người Jrai trên địa bàn. Còn bây giờ, việc sử dụng cồng chiêng phai nhạt, không còn phổ biến như trước, mà chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội hoặc nghi lễ quan trọng.
Lý do là phát triển kinh tế và phương thức sản xuất thay đổi, người dân ít trồng lúa rẫy như trước. Một vấn đề khác là do sự du nhập của các loại hình văn hóa mới, hấp dẫn người dân bản địa, nên người ta ít mặn mà với cồng chiêng. Trước kia, văn hóa cồng chiêng gắn với rừng và nhà rông, nhưng rừng hiện bị thu hẹp, nhà rông cũng ít, không gian văn hóa cồng chiêng cũng đang mất dần.
Theo Sở VH-TT-DL Gia Lai, do điều kiện môi trường sống thay đổi, một số nghi lễ truyền thống của đồng bào đã không được duy trì như trước. Ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cũng cho rằng, ở Đắk Lắk, nghệ thuật cồng chiêng cũng đang mai một.
Điều này thể hiện qua việc không gian cồng chiêng và các lễ hội bị mất đi. Bên cạnh đó, số lượng người đánh cồng chiêng càng tụt giảm do già mất đi, trẻ lớn lên, ít cháu biết đánh, ít mặn mà học.
Việc truyền dạy cũng đang gặp khó khăn vì nghệ nhân ngày càng già, kinh phí truyền dạy không có. Dạy vài ba tháng, người học không có thời gian học, tạm dừng, dẫn đến quên các bài chiêng. Cứ thế, làng xã vắng dần tiếng cồng chiêng...

Tin cùng chuyên mục