Mái nhà chung của 64 bông hoa bất tử

Sau đúng 30 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988), nhân dân Việt Nam vẫn in sâu trong tim sự hy sinh cao cả của 64 anh hùng liệt sĩ để bảo vệ đảo Gạc Ma, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
Ông Trương Văn Cẩn bên tấm bia liệt sĩ khắc tên em trai mình
Ông Trương Văn Cẩn bên tấm bia liệt sĩ khắc tên em trai mình
Những ngày tháng 3 thiêng liêng
Sáng 13-3, ông Trương Văn Cẩn cùng hơn 10 người trong gia đình đã vượt gần 150km từ Phú Yên để có mặt tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) để thắp nén hương cho người em trai của mình. Dưới cái nắng chói chang, những người thân trong gia đình ông Cẩn vẫn chậm rãi đi khắp các điểm trong khu tưởng niệm.
Với gia đình ông Cẩn, điểm quan trọng nhất là nơi đặt bia tưởng niệm chung cho 64 liệt sĩ, trong đó có em trai của ông là liệt sĩ Trương Văn Thịnh. Rơm rớm nước mắt, ông trịnh trọng xếp những lẵng trái cây, hoa, hương… dâng cúng linh hồn các liệt sĩ. 
Trong phút thiêng liêng phúng viếng hương hồn em, ông Cẩn không quên chuyển những lời hỏi han của người mẹ già nơi thôn quê đến các chiến sĩ đã hy sinh. Ông cho biết, mẹ ông năm nay đã 88 tuổi, do sức yếu nên không thể vào tận nơi để thắp nén hương cho con trai. Ngày 12-3, gia đình ông đã làm cúng giỗ cho em trai. Sau lễ cúng, mẹ ông yêu cầu các con cháu trong nhà sắp xếp thời gian vào khu tưởng niệm để thắp hương cho em và 63 đồng đội của em đang yên nghỉ.
“Em trai tôi đã hy sinh cho Tổ quốc. Hôm nay đứng nơi đây, ngay tại khu tưởng niệm, gia đình tôi thấy ấm lòng khi sự hy sinh của em và đồng đội được khắc nhớ. Từ nay, khu tưởng niệm là nơi để con cháu các thế hệ gia đình tôi và cũng như nhiều thân nhân liệt sĩ khác có nơi để đến phúng viếng, tự hào”, ông Cẩn bày tỏ.
Những ngày tháng 3, người dân Việt Nam từ khắp mọi miền quê tìm về Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đông hơn. Đặc biệt hơn cả chính là thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa tề tựu về đây. Có mặt tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, bà Đỗ Thị Hà (phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa), vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng con gái đến viếng chồng, cha. Hai mẹ con bà Hà dừng lại trước di ảnh liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh được khắc trang trọng tại bảo tàng khu tưởng niệm.
Nhớ lại những tháng ngày sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, bà Hà bùi ngùi kể: “Anh Doanh lên tàu đi ra đảo được vài hôm thì gia đình nghe đài phát thanh loan báo về sự việc. Ngay sau đó, đứa cháu trai chạy về hỏi tôi: “Có phải dượng Doanh của mình đi tàu HQ-604 không? Cháu vừa nghe tin tàu bị nạn”. Lúc ấy, tôi sửng sốt, lịm người vì biết đã có chuyện xấu xảy ra. Lúc anh mất, con gái được khoảng 13 tháng tuổi, tên con gái Đinh Thị Mỹ Lệ là do anh đặt”. Chị Đinh Thị Mỹ Lệ cho biết, hiện đang công tác tại tại TPHCM. Chị rất tự hào về cha mình cũng như các đồng đội của cha đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
Địa chỉ đỏ về du lịch tâm linh 
Ngày 15-7-2017, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma rộng 2,5ha được khánh thành giai đoạn 1 tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Sau ngày khánh thành, không ít thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma trên khắp cả nước khi đến thăm viếng đã không kìm được nước mắt vì xúc động. Trong khuôn viên khu tưởng niệm có một bảo tàng nhỏ trưng bày hình ảnh, kỷ vật, di ảnh của các liệt sĩ… trong sự kiện 14-3-1988. Thân nhân các gia đình liệt sĩ trong cả nước cũng đã hiến tặng nhiều tư liệu quý để đưa vào trưng bày tại không gian bảo tàng này. Khu tưởng niệm được xem như là một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, nơi để hướng về “64 bông hoa biển bất tử”.
Có mặt tại khu tưởng niệm nhân dịp tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma, mỗi người chúng tôi đều có những cảm xúc trào dâng. Theo ban quản lý khu tưởng niệm, sau ngày khu tưởng niệm khánh thành đã có hơn 250 đoàn khách đến thăm viếng, chưa kể khách nhỏ lẻ. Trong đó, đoàn tham quan đông nhất đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) với hơn 1.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh. Một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh cũng đã đến khu tưởng niệm tổ chức lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn. 
Cựu chiến binh Thái Cao Bình, người bảo vệ khu tưởng niệm từ khi hình thành cho đến nay, cho biết mỗi ngày ít nhất cũng có một vài trăm người tới viếng thăm khu tưởng niệm. Ngày lễ, tết thì cả ngàn người.
“Mỗi người đến đây đều có những cảm xúc dâng trào trước vong linh các liệt sĩ và họ tự tay viết cảm nghĩ vào cuốn sổ nhật ký. Có nhiều người viết hay, xúc động lắm”, ông Bình chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều đơn vị lữ hành đã có ý kết nối khu tưởng niệm thành các điểm tour. Hiện đã có 2 đơn vị du lịch đưa khoảng 50 đoàn khách đến tham quan trong hành trình tour du lịch. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết qua khảo sát, nhiều đơn vị lữ hành rất muốn đưa Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma vào tour tham quan tâm linh. Trước kiến nghị này, ngành du lịch đã có văn bản gửi Liên đoàn Lao động tỉnh xin ý kiến và đang rất mong chờ sự đồng thuận.

Tin cùng chuyên mục