“Make in Vietnam” nhìn từ khởi nghiệp

Nếu nhìn qua bức tranh khởi nghiệp trong những năm qua, sẽ thấy dấu hiệu rất lạc quan với sự gia tăng số lượng quỹ đầu tư, công ty/nhóm khởi nghiệp bằng công nghệ, đổi mới sáng tạo (startup) và nhất là số vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Nhưng câu hỏi lớn luôn đặt ra, cần phải làm gì để sớm hiện thực hóa các công nghệ mới, dự án khởi nghiệp đã được công nhận có hiệu quả, khả năng thành công lớn?
Sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Vsmart, sản phẩm “Make in Vietnam”. Ảnh: T.BA
Sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Vsmart, sản phẩm “Make in Vietnam”. Ảnh: T.BA

“Khởi” nhiều nhưng “nghiệp” vẫn khó

Trong năm 2018, Việt Nam thu hút 900 triệu USD đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng gấp 3 lần năm 2017 (291 triệu USD). Trước đây, khi nhắc đến đầu tư mạo hiểm, người ta chỉ nhớ đến các quỹ ngoại, thì giờ đây đã có những quỹ nội, thể hiện sự tham gia của các doanh nghiệp lớn Việt Nam vào hệ sinh thái, như Quỹ Sáng tạo CMC, Viettel Venture…

Bên cạnh đó, nhiều cộng đồng, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần cũng ra đời nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cả rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm (như VIC Impact, Angel4us, Hatch!Angel Network…). Không chỉ hoạt động đầu tư, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng diễn ra sôi nổi. Riêng các vườn ươm và khóa tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) trong năm 2018 đã tăng 50% so với 2017, được hỗ trợ bởi cả khối tư nhân, trường đại học và các cơ quan nhà nước.

Theo Ban điều hành Đề án quốc gia 844 “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, những con số về mặt tài chính hay số lượng tổ chức hỗ trợ dù tăng so với trước đây, nhưng chất lượng các startup đang có dấu hiệu giảm đi, ngày càng ít startup có khả năng tiếp nhận đầu tư.

Bà Thạch Lê Anh, CEO của Tổ chức Tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley (VSV), nhận xét các startup xuất phát tốt, thậm chí năm sau tốt hơn năm trước, nhưng trong quá trình phát triển, chất lượng lại giảm dần do các trung tâm ươm tạo nhận startup vào mà không giúp họ định hình được mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng.

Theo đó, số lượng các tổ chức khởi nghiệp tuy đông nhưng đa phần kinh nghiệm vẫn non trẻ, lại phân tán và thiếu liên kết với nhau. Vì vậy mà các startup có tiềm năng nhưng ở những nơi ít có điều kiện về kinh tế, cơ sở vật chất sẽ không được phát hiện và được đào tạo, đầu tư đủ tốt để có thể phát triển.

Báo cáo của Văn phòng Đề án 844 cho rằng, tại đa số vườn ươm hoặc trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đa phần chỉ là các doanh nghiệp siêu nhỏ đưa ra sản phẩm/dịch vụ trên nền tảng số chứ chưa phải là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa.

Trong khi đó, sự hỗ trợ đối với những nhà khoa học trẻ đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, các dự án, doanh nghiệp đoạt giải nhất trong các cuộc thi về khởi nghiệp tại địa phương lại chưa sát sao. Nguyên nhân chính là do chưa thực sự tạo được mối liên kết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và các vùng lân cận.

Vai trò đầu tàu của doanh nghiệp lớn

Tại hội thảo “Nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ” vừa diễn ra ở Hà Nội, bên cạnh các hỗ trợ về nguồn vốn và chính sách, vấn đề được các nhà sáng chế và khởi nghiệp quan tâm là quá trình hoàn thiện sản xuất và thương mại hóa sản phẩm sau một thời gian nghiên cứu.

Thảo luận về vấn đề tạo ra sản phẩm “Make in Vietnam”, khi trả lời câu hỏi “nguồn lực Việt Nam đã đủ năng lực để tạo ra sản phẩm chưa?”, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Đại học trực tuyến FUNiX, cho biết: “Sản phẩm phải bắt nguồn từ thị trường. Vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải, đó là chưa biết giải quyết vấn đề cụ thể gì. Đó cũng chính là cái thiếu nhất của “Make in Vietnam” hiện nay”.

Song cũng nhìn lạc quan hơn khi các doanh nghiệp lớn phát triển sản phẩm. Bkav là một điển hình với các dòng Bphone và hiện đang chuẩn bị ra Bphone 4. Tính đến nay, Bphone 3 có doanh số vượt mong đợi, khi có gần 10.000 chiếc điện thoại Bphone 3 được bán ra. Trong đó, 75% số máy bán tại chuỗi cửa hàng liên kết, còn lại thông qua online.

Hay điện thoại di động của Vsmart, được đầu tư bài bản từ công nghệ, con người đến nhà máy để có thế hệ những chiếc di động Vsmart đầu tiên, tạo nên điểm nhấn ở thị trường. Mới đây, Tập đoàn Vingroup động thổ dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) có công suất 23 triệu máy/năm trong giai đoạn đầu và đạt công suất cao nhất 125 triệu máy khi chính thức hoàn thiện.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác như Viettel, FPT, VNG… cũng đã có hàng loạt sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Vậy thì “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò đầu tàu.

Các startup có thể gọi vốn và đã có những startup gọi vốn được hàng chục triệu USD. ELSA - ứng dụng học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vừa gọi vốn thành công vòng Series A tại Silicon Valley với con số đến 7 triệu USD là một minh chứng. “Make in Vietnam” cần rõ ràng về năng lực, tầm nhìn và thị trường thì hoàn toàn có thể làm được, trong đó vai trò đầu tàu của doanh nghiệp lớn không thể thiếu…

Tháng 8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về việc thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước (Công văn 1128, ngày 31-8-2018). Theo công văn này, Bộ Tài chính sẽ chủ trì nghiên cứu và đề xuất chính sách dành cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp, nền tảng gọi vốn cộng đồng và thí điểm nền tảng thoái vốn; Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… Tuy nhiên đã hơn nửa năm vẫn chưa có đề xuất nào được đưa ra.

Bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Khởi nghiệp sáng tạo (Bộ KH-CN), cho biết, việc thực hiện Công văn 1128 đang “rất chậm”, cũng như chưa có sự phối hợp thực sự giữa các bộ liên quan với Bộ KH-CN trong việc xây dựng chính sách cụ thể để hỗ trợ kịp thời cộng đồng khởi nghiệp.

Tin cùng chuyên mục