Malaysia bảo tồn ngôn ngữ hiếm

Đó là ngôn ngữ Kristang, hình thành sau khi cách đây 500 năm, người Bồ Đào Nha tiếp quản thành phố cảng chiến lược trên eo biển Malacca, một trong những tuyến vận chuyển quan trọng nhất thế giới. Sau Bồ Đào Nha, đến người Hà Lan chiếm đóng khu vực này và cuối cùng là người Anh trước khi Malaysia giành độc lập.
Khu vực ở thành phố Malacca (Malaysia) - nơi sử dụng ngôn ngữ Kristang
Khu vực ở thành phố Malacca (Malaysia) - nơi sử dụng ngôn ngữ Kristang

Thành phố trên bờ biển phía Tây của Malaysia vẫn còn dấu tích của thời thực dân thu hút khách du lịch, bao gồm các tòa nhà kiến trúc Hà Lan có tường đỏ và một ngôi nhà như một pháo đài hùng mạnh của Bồ Đào Nha. Kristang có phần lớn từ vựng tiếng Bồ Đào Nha nhưng cấu trúc ngữ pháp tương tự như tiếng Malay - ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Malaysia.

Không chỉ ở Malaysia, ngôn ngữ Kristang còn được sử dụng ở một số cộng đồng người di cư từ Malaysia đến Singapore và Australia. Nhưng ngày nay, ngôn ngữ này đang bị đe dọa sau gần 500 năm ra đời do không phải là một phần của chương trình giảng dạy ở trường. Cộng đồng người Á - Âu (người Malaysia lai Bồ Đào Nha) ở Malaysia cũng đã dần dần đồng hóa vào cộng đồng người nói tiếng Malay rộng lớn hơn. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), trong số các ngôn ngữ trong tình trạng bị xóa sổ, ngôn ngữ Kristang có “nguy cơ nghiêm trọng” và hiện chỉ còn khoảng 2.000 người sử dụng.

Bất chấp viễn cảnh biến mất, những giai điệu du dương của ngôn ngữ Kristang vẫn được sử dụng trong khu định cư nhỏ ở Malacca, nơi cộng đồng người Á - Âu còn lại sinh sống. Những người đàn ông lớn tuổi nhiệt tình truyền lại cho thế hệ sau. Một số lớp học ở Malacca cũng cho học sinh hát bằng tiếng Kristang. Ở nước láng giềng Singapore, Kevin Martens Wong, một giáo viên người châu Âu, đang đi đầu trong nỗ lực hồi sinh ngôn ngữ Kristang và đã dạy ngôn ngữ này cho hàng trăm học sinh kể từ năm 2016.

Tin cùng chuyên mục