Manh nha thị trường tranh Việt

Mối quan hệ của họa sĩ và nhà đấu giá, các phòng tranh giống như quan hệ của nhà sản xuất và nhà kinh doanh. 
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan (trái) bên bức tranh đấu giá
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan (trái) bên bức tranh đấu giá
Có thể ví von, nếu không có nhà đấu giá hay các phòng tranh, thì họa sĩ vẽ tranh giống như nền kinh tế tự cung tự cấp và khi có nhà đấu giá tham gia vào thì mới có cái gọi là thị trường tranh.
Manh nha thị trường tranh Việt ảnh 1 Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan (trái) bên bức tranh đấu giá
Theo thông lệ hiện nay, tranh của các họa sĩ treo tại một phòng tranh hoặc được đem ra đấu giá, thì phòng tranh và nhà đấu giá sẽ hưởng trung bình từ 15% - 25% giá tranh bán được tùy theo thỏa thuận ban đầu. Nói công bằng, thì giá tranh của các họa sĩ như thế nào sẽ do chủ phòng tranh, nhà đấu giá quyết định thông qua cách làm giá, uy tín của phòng tranh và nhà đấu giá cộng với danh tiếng của họa sĩ.
Lâu nay, vẫn có nhiều họa sĩ Việt tự sản xuất tác phẩm và tự kinh doanh những gì mình vẽ được. Nhưng các họa sĩ làm được điều này không nhiều. Bởi, bản chất nghệ sĩ rất khó khi kiêm luôn nhà kinh doanh để vừa tự vẽ vừa tự mua bán tác phẩm, nhất là tác phẩm ấy lại là nghệ thuật chứ không phải vật chất đơn thuần.
Đầu năm 1980 nhà văn Đoàn Thạch Biền từ TPHCM ra Hà Nội đến thăm họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông rất thích tranh Bùi Xuân Phái nhưng theo ông Biền thì không biết tranh ông Phái bao nhiêu để mà mua một bức làm kỷ niệm. Khi ngỏ ý muốn sở hữu một bức tranh cỡ bằng tờ giấy khổ A4, ông Biền hỏi ông Phái bán bao nhiêu? Danh họa Bùi Xuân Phái trả lời với nhà văn Đoàn Thạch Biền, rằng: “Anh thấy tranh của tôi giá 1 đồng thì trả 1 đồng, giá 2 đồng thì tôi lấy 2 đồng”.
Chuyện năm nào của hai ông nhà văn, họa sĩ cho thấy rất khó định giá một bức tranh, dù ai cũng hiểu cái gì cũng có giá trên cuộc đời này nếu xét trên quan hệ mua bán. Do đó, thị trường nghệ thuật Việt nói chung và thị trường tranh nói riêng rất cần những phòng tranh, nhà đấu giá, nhà môi giới; đây là cầu nối quan trọng để tác phẩm của họa sĩ đến được với người yêu thích hội họa.
Thế nhưng mới đây, một họa sĩ nữ chưa phải là nổi danh trong làng mỹ thuật Việt Nguyễn Ngọc Đan phải đòi lại bức tranh của mình sau khi gửi nhà đấu giá LyThi do bà Lý Bích Ngọc làm chủ, đấu giá thành công hơn 60 triệu đồng. Số tiền này từ cuối tháng 12-2016 đến nay họa sĩ Đan không nhận được, còn LyThi cho biết người đấu giá thành công không trả tiền, trong khi phiên đấu giá đó tất cả người mua đều trả đủ.
Để duy trì một phòng tranh hay tổ chức một sàn đấu giá, người tổ chức việc này phải chi rất nhiều, nên việc họ hưởng từ 15% - 25% từ các cuộc giao dịch thành công là việc hết sức bình thường. Và việc tranh bán rồi nhưng người mua không trả tiền và không lấy tác phẩm chỉ là rủi ro, vốn dĩ cũng như rủi ro trong tất cả các vấn đền của cuộc sống. Đây là việc cần chia sẻ với các nhà tổ chức phòng tranh và nhà đấu giá.
Hỏi bà Lý Bích Ngọc, Chủ nhà đấu giá LyThi sao không lấy tiền ứng trước của những người tham gia đấu giá tranh như thông lệ quốc tế vẫn làm? Bà Ngọc cho biết: “Đấu giá tranh khác với đấu giá tài sản thông thường. Tôi nghĩ đấu giá tranh, tức đấu giá nghệ thuật là công việc văn hóa. Tôi nghĩ làm văn hóa không nên quá câu nệ về tiền bạc và người tham gia đấu giá tranh là những người có văn hóa, nếu yêu cầu họ đóng trước bao nhiêu tiền, tôi thấy khá kỳ. Có thể chúng tôi chịu thiệt hại và mang tiếng nhưng không muốn làm việc hơi trái với văn hóa như thế”.
Để giá tranh của một họa sĩ được định hình, nhất thiết phải thông qua cuộc đấu giá. Nhưng không phải tranh của họa sĩ nào cũng được nhà đấu giá chấp nhận. Do vậy, có nhiều họa sĩ cố gắng tranh của mình được hiện diện trong một cuộc đấu giá. Rồi sau đó, để “tự làm giá” họa sĩ đó đã nhờ người thân quen đứng ra đấu giá tác phẩm của mình cao hơn giá trị thực. Và với những cuộc đấu giá tranh mà người đấu giá không cần phải ứng tiền trước như cách nhà đấu giá LyThi đã và đang làm, thì đây là một cơ hội của một số họa sĩ.
Giới họa sĩ vẫn nói với nhau cách để không phải chi phần trăm cho phòng tranh và nhà đấu giá, đại ý rằng khi gặp người muốn mua tranh, thì rỉ tai với họ là để kết thúc triển lãm hay kết thúc đấu giá, gặp riêng rôi bán giá rẻ hơn. Phải chăng là nhiều họa sĩ làm khó phòng tranh, nhà đấu giá hay ngược lại?
Hỏi nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹthuật TPHCM, ông cho biết: “Tôi rất mong có nhiều nhà đấu giá tranh tại Việt Nam. Càng có nhiều nhà đấu giá, nhiều phòng tranh thì họa sĩ mới sống được và thể hiện tranh Việt có thị trường. Nhưng theo ghi nhận của tôi, tất cả chỉ mới manh nha chứ chưa tạo thành một thị trường. Manh nha ở đây là với hội họa chứ với điêu khắc thì gần như không có”.

Tin cùng chuyên mục