Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm

Thời gian qua, các bộ ngành đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản xuất khẩu sang châu Âu. Nhưng tại một số địa phương, công tác này chưa đạt yêu cầu, đã và đang khiến cánh cửa xuất ngoại của ngành thủy sản trị giá hơn 9 tỷ USD bị thu hẹp dần. Điển hình là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT).
 Lên hàng hải sản tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền)
Lên hàng hải sản tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền)

Còn nhiều tàu cá vi phạm

Theo Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân mà Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản nước ta vào cuối tháng 10-2017 là do chưa kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào, hoạt động trên biển và xác nhận loài, sản lượng khi cập bến; công tác quản lý nhà nước đối với ngành thủy sản không hết trách nhiệm, dẫn đến suy giảm nguồn lợi hải sản, thủy sản không truy xuất được nguồn gốc khi xuất khẩu sang châu Âu (vi phạm khai thác IUU).

Kể từ đó, Chính phủ và Bộ NN-PTNN đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, tiến hành thực thi pháp luật kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU, thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đến các hoạt động hợp tác quốc tế và kiểm tra các biện pháp chống khai thác IUU tại địa phương. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài  vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Tỉnh BR-VT mặc dù đã ra nghị quyết, văn bản, chỉ thị và thành lập các văn phòng kiểm soát nghề cá tại một số cảng, thế nhưng vẫn là tỉnh đứng đầu trong danh sách các tỉnh, thành có số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với 22 vụ/41 tàu/293 thuyền viên trong năm 2018 và 5 vụ/11 tàu/80 thuyền viên bị truy đuổi, bắt giữ từ đầu năm 2019 đến nay. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện 24 tàu cá của tỉnh có hành vi sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Tỉnh cũng chưa đảm bảo công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Chỉ có 766/2.809 tàu cá bắt buộc phải lắp thiết bị này, nhiều tàu cá cố tình tắt định vị để sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.

Cũng giống như BR-VT, nhiều địa phương ven biển có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ cho rằng nguyên nhân chính do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa nghiêm. Hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. 

Cần nâng mức xử phạt

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức 25 đoàn kiểm tra, kiểm soát 362 tàu cá hoạt động trên biển và 152 cơ sở thu gom, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện 79 trường hợp vi phạm, ra quyết định phạt hành chính 79 trường hợp, với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để vấn đề vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt cá trái phép.

 Chính vì vậy, địa phương đề nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNN cần có những quy định về hình thức xử phạt thật nghiêm khắc, có tính răn đe cao, xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp tổ chức đưa tàu thuyền và ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm đối với các đối tượng chủ tàu và thuyền trưởng khi để xảy ra tình trạng vi phạm. Kiên quyết rút giấy phép, thậm chí cấm biển đối với tàu cá vi phạm. Bắt buộc chủ tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, trong đó phải cập nhật đầy đủ thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, tên và trọng lượng loại hải sản đánh bắt.

Ông Lê Tuấn Quốc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cho biết tỉnh đang khẩn trương khắc phục “thẻ vàng” bởi nó ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt không cho tàu cá chưa gắn định vị xuất bến đánh bắt và tạm đình chỉ những tàu cá có gắn định vị nhưng cố tình tắt nếu không có lý do chính đáng. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng lộ trình chuyển đổi nghề tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ, hướng tới chấm dứt loại hình tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để xúc tiến đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang khai thác hợp pháp tại vùng biển nước ngoài theo đề án của Bộ NN-PTNT về phát triển nghề khai thác viễn dương.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNN đã đến BR-VT kiểm tra và đưa ra nhận định: BR-VT là một trong những địa phương có khả năng rất cao bị đoàn kiểm tra của EC vào kiểm tra trong thời gian tháng 6 hoặc tháng 7-2019, bởi địa phương này có đầy đủ tiêu chí của EC đưa ra như: Thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác thủy sản về hồ sơ và sản lượng đứng đầu cả nước; một số tỉnh thành lấy hồ sơ của tỉnh BR-VT để xuất khẩu hàng sang thị trường EU; số lượng tàu khai thác xa bờ (tàu dài trên 15m) chiếm tỷ trọng cao so với tỉnh thành khác.

Tin cùng chuyên mục