Mạnh Trinh với tổ khúc giao hưởng “Sài Gòn đất lành chim đậu”

Với anh, âm nhạc là một con đường trải dài của cảm xúc và mỗi ngày anh đều bước tiếp trên con đường đó. Ngoài công việc biên tập chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình TPHCM (HTV), hòa âm phối khí, nhạc sĩ Mạnh Trinh còn được khán giả biết đến qua ca khúc “Phố quen”. Sau 3 năm học tập và miệt mài nghiên cứu, anh đã thành công với Tổ khúc giao hưởng “Sài Gòn đất lành chim đậu” được Hội đồng khoa học Nhạc viện TPHCM công nhận tốt nghiệp cao học ngành sáng tác.

Với anh, âm nhạc là một con đường trải dài của cảm xúc và mỗi ngày anh đều bước tiếp trên con đường đó. Ngoài công việc biên tập chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình TPHCM (HTV), hòa âm phối khí, nhạc sĩ Mạnh Trinh còn được khán giả biết đến qua ca khúc “Phố quen”. Sau 3 năm học tập và miệt mài nghiên cứu, anh đã thành công với Tổ khúc giao hưởng “Sài Gòn đất lành chim đậu” được Hội đồng khoa học Nhạc viện TPHCM công nhận tốt nghiệp cao học ngành sáng tác.

* PV:
Vì sao anh lấy chủ đề “Sài Gòn đất lành chim đậu” đặt cho tổ khúc giao hưởng của mình?

* Nhạc sĩ Mạnh Trinh: Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn TPHCM là nơi hội tụ cư dân cả ba miền của đất nước về đây lập nghiệp và sinh sống. Theo riêng tôi, Sài Gòn TPHCM có được 3 yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và còn là một trung tâm kinh tế, văn hoá lớn của cả nước, nên tôi viết tổ khúc giao hưởng lấy tên “Sài Gòn đất lành chim đậu” như một sự tri ân và tôn vinh nơi tôi được sinh ra.

* Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi… anh thấy mình đã thu thập được những gì mà mình tâm đắc nhất?

* Ngoài việc được nâng cao kiến thức về chuyên môn, tôi còn học tập được cách làm việc khoa học của các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc hàng đầu của Việt Nam và sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật của các thầy là tấm gương để tôi luôn phấn đấu và noi theo.

Quan điểm về nghệ thuật và nghề nghiệp của tôi rất đơn giản, khi đã chọn nghệ thuật âm nhạc làm nghề nghiệp thì phải hết lòng yêu lấy nó và luôn tìm tòi, học hỏi những cái mới để hoàn thiện với chính mình. Sau 3 năm học tập và nghiên cứu âm nhạc, tôi mới hiểu được cái mình biết thì có giới hạn, còn cái mình chưa biết thì vô tận, bao la.

* Anh là tay chơi guitar có tên tuổi trong làng nhạc TP Hồ Chí Minh và cả nước, ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến quan điểm nghệ thuật và phong cách chơi của anh?

* Tôi vốn rất mê loại nhạc cụ này và được học từ nhỏ nên phải nói là chính việc chơi đàn guitar đã tạo cho tôi sự khởi đầu hoàn hảo khi bước vào thế giới của nghệ thuật âm nhạc và chọn âm nhạc làm sự nghiệp cho đến ngày hôm nay.

Đàn guitar vồn là nhạc cụ của nước ngoài du nhập vào Việt Nam, nên những nghệ sĩ mà tôi yêu thích nhất cũng là nghệ sĩ nước ngoài như Carlos Santana, Garymore, B.B.King… là những nghệ sĩ tài hoa, khi xem và nghe các nghệ sĩ này biểu diễn ta có cảm giác cây đàn trên tay họ biết “nói”, biết “cười”, biết “khóc”… Phẩm chất của một nghệ sĩ chân chính là sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật, biết đồng cảm và biết chia sẻ sự bất hạnh của người khác.

* Thị trường âm nhạc online luôn luôn có một sức quảng bá nhanh nhất và độ lan tỏa cao nhất. Anh đánh giá như thế nào?

* Thị trường âm nhạc online đúng là có sức lan tỏa, đa số là giới trẻ, nhưng thật ra đó chỉ là những giải trí thuần túy, có khi các bạn trẻ chỉ nghe để tò mò hoặc đơn giản cho vui mà thôi chứ không ý thức được tính chất nghệ thuật của bài hát mình đang nghe và các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn, kể cả trong nước lẫn ngoài nước nên các bạn trẻ dễ bị bão hòa.

Từ đó nhiều người nghĩ ra những tác phẩm tạm gọi là nhảm nhí để thu hút sự tò mò của người nghe, dẫn đến một số gu thưởng thức âm nhạc bị lệch lạc trong một số giới trẻ hiện nay là, bài hát phải có nói tục trong đó mới “sốc” hoặc hát như cãi nhau tay đôi ngoài đời thường mới là “đinh”…

* Cảm ơn Thạc sĩ, nhạc sĩ Mạnh Trinh và chúc anh gặp nhiều thành công trong sự nghiệp. 

LÂM HẢI VY

Tin cùng chuyên mục