Mất cả chì lẫn chài khi nhận gõ captcha

Gõ captcha đang là việc làm thêm thu hút nhiều sinh viên, bởi có thể ngồi nhà làm việc trên máy tính. Hiện đang có rất nhiều người rao thuê sinh viên gõ captcha. Tuy nhiên, không phải dễ kiếm tiền bằng việc gõ captcha. 

Đã có nhiều sinh viên làm nửa chừng rồi phải bỏ cuộc, chẳng những không lấy được đồng nào tiền công, mà còn mất khoản tiền phí bản quyền phần mềm đóng cho nhà tuyển dụng. 

Captcha là gì?

Captcha là hình ảnh chứa đoạn mã xác nhận giúp phân biệt đối tượng đang truy cập là người hay máy. Khi chúng ta đăng ký mở tài khoản email, mạng xã hội, bình chọn hay đặt mua hàng trực tuyến thì thường phải gõ mã captcha.

Đây là công cụ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi lập tài khoản giả mạo số lượng lớn trên các diễn đàn website, email, hoặc gian lận bình chọn… bằng các chương trình tự động.

Để vượt qua công cụ cản trở việc lập hàng loạt tài khoản giả mạo, hacker buộc phải thuê một đội ngũ hùng mạnh gõ captcha để xác nhận việc lập tài khoản, rút ngắn thời gian cho quá trình đăng ký hàng loạt tài khoản.

Hacker cần thuê nhiều người chuyên gõ captcha để có captcha tạo hàng loạt tài khoản email và mạng xã hội, từ đó có thể dễ dàng gửi thư rác quảng cáo; xâm nhập email và mạng xã hội cá nhân của người khác, mạo danh người khác để lừa đảo.

Hay những tay phe vé muốn có captcha để dùng máy tính tự động đăng ký mua vé, chiếm hết suất vé tàu, vé bóng đá, vé sự kiện đang thu hút công chúng, rồi bán lại với giá cao. 

Thế nên, việc các bạn sinh viên nhận làm thuê gõ captcha vô tình tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện việc gian lận, lừa đảo, ném đá giấu tay, tung tin giả, tấn công mạng.

Mất cả chì lẫn chài khi nhận gõ captcha ảnh 1
Hiểu rằng đó là hành vi phạm pháp, trái đạo đức thì hẳn các bạn sinh viên có ý thức sẽ không làm. Thực tế nhiều bạn đã nhận làm thuê gõ captcha cho hacker, và rồi hầu hết đều bị hacker lừa tiền. 

Nhiều bạn sinh viên nhận làm thuê gõ captcha than trời, rằng sau một tháng miệt mài dán mắt trên màn hình máy tính, giỏi lắm chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng là cùng.

Nghề này không những đòi hỏi kỹ năng gõ văn bản rất giỏi, mà còn phải tinh mắt và biết mẹo, bởi các chữ, số captcha thường hiển thị méo mó, nghiêng ngả, nên nhận dạng dễ nhầm lẫn như “O - 0, 1 - i, L - V, V - U”...

Nếu gõ sai chỉ một ký tự là phải gõ lại mã mới do website hiển thị lại. Có nhiều đoạn mã như đám rừng, dài lê thê, căng mắt nhìn cũng khó nhận dạng, buộc người gõ phải đổi đoạn mã mới, mất thời gian. 

Không dễ ăn

Lúc đầu, sinh viên đến thử việc tại công ty với vai trò cộng tác viên. Nói công ty cho oai, chứ thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ thuê tạm, với vài người làm công tác tuyển dụng.

Người làm thuê gõ captcha phải đóng khoảng 300.000 - 400.000 đồng cho nhà tuyển dụng, gọi là tiền thu phí bản quyền phần mềm (cài trên máy hoặc sử dụng trên trình duyệt web).

Sau khi cài phần mềm vào máy, cộng tác viên đăng nhập bằng tài khoản đã được cấp, rồi gõ lại các ký tự captcha trên màn hình máy tính. Phần mềm sẽ tự động lưu lại số captcha đã gõ, có thống kê. Khi ký hợp đồng, có nhiều điều khoản ràng buộc cộng tác viên gõ captcha.

Chẳng hạn, phải gõ được bao nhiêu đoạn mã một tháng, giới hạn thời gian hoàn thành, số lần tối đa được phép gõ sai... Nếu vi phạm, hoặc bỏ cuộc, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc mất tiền phí bản quyền phần mềm. 

Một bạn sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tâm sự, một ngày phải mất 10 giờ (chủ yếu là thức trắng đêm) mới kiếm được 40.000 đồng. Trung bình, nếu gõ thành công 1.000 đoạn mã, chỉ được người thuê trả khoảng 15.000 đồng.

Mà cũng không dễ nhận được 15.000 đồng đó, vì phải đạt mức độ quy định theo hợp đồng là khi đạt đến cột mốc 100.000 đồng mới được nhận tiền chuyển khoản qua thẻ ATM.

Nhưng cao lắm chỉ gõ được 300 đoạn mã trong một giờ, nên nếu “cày” thâu đêm suốt sáng mới được 45.000 đồng/10 giờ. Chính vì vậy, nhiều bạn nản, bỏ cuộc, ngậm ngùi chịu tình cảnh làm mướn không công.

Người gắng theo việc, bỏ rất nhiều thời gian và công sức để nhận được khoản tiền công ít ỏi 100.000 đồng rồi mới bỏ cuộc, thì số tiền ấy vẫn chưa đáng là bao so với tiền phí bản quyền phần mềm.

Với hàng trăm, hàng ngàn người bỏ cuộc, thì tổng số tiền phí bản quyền phần mềm thu được sẽ không nhỏ chút nào. Tất nhiên, nhà tuyển dụng sẽ hốt trọn.

Tin cùng chuyên mục