Câu chuyện chủ nhật

May, rủi tranh Việt



Chớm thu, tại cuộc bán đấu giá tranh của nhà Sotheby’s, Hồng Công, Trung Quốc, 5 bức tranh Việt của các họa sĩ tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm đã được bán với giá khá cao, thu về hơn 2,5 triệu USD (gần 60 tỷ đồng). Điều đáng nói là các bức tranh này bị giới chuyên môn Việt Nam nghi ngờ về độ chân thực, nếu không nói là… bị coi là “bản sao chép”, nghĩa là không có tính nguyên bản.

Nhưng mặc những lùm xùm từ giới mỹ thuật Việt Nam, phía nhà đấu giá lừng danh lại có góc nhìn riêng để quyết định đưa tranh ra đấu giá công khai. Bức tranh bị hồ nghi nhất là bức lụa La Famille (Gia đình, vẽ khoảng năm 1935 - 1940) của danh họa Lê Phổ đạt mức 749.053 USD, lọt tốp 10 những bức tranh Việt cao giá nhất trên sàn đấu giá công khai. Cũng bị nghi ngờ tương tự là bức lụa Le jeu Des Cases Gagnantes (Chơi ô ăn quan, 64cm x 43cm, 1931) được cho của danh họa Nguyễn Phan Chánh, được bán với giá 319.600 USD. Bức tranh này có khổ khác lạ, chưa nói tới chuyện có hàng đống tranh cùng chủ đề được tung ra thị trường nhiều năm nay. 

Thôi thì cứ tin vào sự thẩm định của Sotheby’s, cũng như tin vào khẳng định của một nhà hiền triết rằng nếu như sự thật chỉ có một thì bạn không thể vẽ ra cả trăm bức giống nhau có cùng chủ đề. Nhưng sao vẫn thấy… khó tin trong sự bất tin chung khi nhìn vào thị trường mỹ thuật thật - giả khó lường. Dịp mới đây, khi gặp một họa sĩ tên tuổi ở Hà Nội, người viết có hỏi bức tranh lụa Chơi ô ăn quan của cụ Nguyễn Phan Chánh mới bán là thật hay giả?, anh chỉ cười vuốt bộ râu dài - mà anh tự hào là “râu thơm mùi rượu” - buông một câu xanh rờn: “Kiếm đâu ra đồ thật?”. Anh nói thêm, bức tranh nổi tiếng này vẫn còn ở Việt Nam và để ở dưới “gối ngủ của bà Đức Minh” vì một lẽ, nhà sưu tập Đức Minh chưa bao giờ bán một bức tranh nào với bất kỳ giá nào. Cụ Đức Minh ngày xưa, thời Pháp thuộc vốn nổi tiếng là người Việt duy nhất mua lại bức tranh của Nguyễn Phan Chánh từ Pháp mang về lại Việt Nam với ý thức bảo tồn vốn văn hóa dân tộc.

Người họa sĩ thông tuệ này còn được mời thẩm định tranh của một trong những cây cọ hàng đầu được coi là có tranh bị làm giả nhiều nhất - tranh Bùi Xuân Phái - mà nổi tiếng hơn cả là “Phái phố”. Có lẽ anh là người duy nhất phân biệt được Phái thật hay Phái giả bởi lẽ anh theo học cụ từ nhỏ, lớn lên học tiếp các cấp ở Trường mỹ thuật Yết Kiêu và tóm lại chỉ nhìn qua cũng biết đâu là linh hồn Phái thật. Tất nhiên, thật khó nói với chủ nhân đã lỡ bỏ ra một đống tiền để sở hữu tranh Phái rằng “dạ, đó không phải nét vẽ của Phái”, và đành im lặng không muốn giết chết giấc mơ thưởng ngoạn nghệ thuật đáng quý này. Với sự giàu lên của một bộ phận làm kinh tế, nhu cầu mua tranh và giá tranh cũng tăng chóng mặt. Người mua chủ yếu cũng chỉ đem… biếu vì vừa được tiếng “nhã” lại không mang tiếng là “đưa hối lộ”. Đến mức, một bức tranh nhỏ của Phái có giá ban đầu chỉ 100 USD, nhưng sang tay qua lại làm quà biếu đã vọt lên mức 60.000 USD để rốt cuộc… treo trang trọng ở nhà một chức sắc có thực quyền. Và cũng may là nhu cầu sở hữu, sưu tập hội họa trong xã hội càng ngày càng tăng tiến, nhờ đó giới cầm cọ không những sống được mà còn làm giàu được nhờ bán tranh.

Song vẫn còn đó những vấn đề làm trĩu nặng người mua bán tranh. Đầu tiên - như đã nói - là vấn nạn hàng giả tràn ngập. Nhiều chuyên gia thẩm định nghệ thuật đã cảnh báo, bất cứ thứ gì đáng giá thì đều đáng để làm giả và đó là điều cần lưu tâm đầu tiên. Ngày nay, công nghệ đã phát triển đến mức có rất nhiều cách kiểm tra về bản chất của một tác phẩm hiện vật. Bạn có thể lấy một viên sapphire và gửi nó đến phòng thí nghiệm đá quý, họ sẽ cho bạn biết nó được tạo thành ở đâu hay nó có được xử lý bằng nhiệt hay không (đá nhân tạo). Bạn cũng có thể gửi một bức tranh tới phòng thí nghiệm, với những thiết bị chuyên dụng, họ có thể kiểm tra, ước lượng khoảng thời gian nó được tạo ra, hay chỉ cho bạn thấy những thứ ẩn giấu sau những lớp sơn dầu. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy, khi tất cả chỉ là tương đối. Đã không ít lần các chuyên gia của những nhà đấu giá lớn đã “bé cái lầm” khi thẩm định. Ví dụ gần đây nhất là chuyện chiếc áng Nhữ Diêu Tống bán ra với giá 38 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s bị cho là đồ giả và hãng này đã bị chỉ trích rất nhiều, làm dấy lên nghi ngại về uy tín và tính xác thực của công tác thẩm định. Và không nói đâu xa, cách đây mấy năm, chuyên gia thẩm định của nhà đấu giá Christie’s, ông Francois Hubert, cũng đã bán 15 bức tranh giả trong tổng số 17 bức cho nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại TPHCM. Bán có chủ ý cùng với giấy xác thực nguyên bản do chính chuyên gia này xác nhận.

Như thế có thể thấy, rất khó xác thực tính nguyên bản - yếu tố hàng đầu trong 10 tiêu chí ấn định giá cho tác phẩm nghệ thuật. Và chỉ có chuyên gia thẩm định dày dạn mới có thể “đánh hơi” manh mối về linh hồn của nghệ thuật. Chúng ta mới chỉ chập chững đi vào môi trường nghệ thuật đỉnh cao là hội họa nên rất cần những chuyên gia giám tuyển có tâm, có tài, song nhìn lại mới thấy hụt hẫng vì đội ngũ này vừa thiếu, vừa yếu hay nói trắng ra là gần như không có. Đến mức, khi bức tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn cần phục chế thì không biết ai phục chế và phục chế ở đâu, cuối cùng nhờ cậy một hãng phục chế của Đức (cũng chưa phải là hãng giỏi nhất) nhưng họ đòi tiền công tới 100.000 USD. Đành chịu vì thiếu tiền và thiếu tài.

Thôi thì đành nhờ vào sự may rủi của số phận. May thì có tác phẩm thật, độc bản, còn rủi - thì có thêm một kinh nghiệm trên thương trường đặc thù còn hơn chiến trường… 

Tin cùng chuyên mục