Mẹ chồng thời @...

Quan niệm về mẹ chồng - con dâu thời nay đã khác xưa và để xây dựng mối quan hệ này êm ấm, tốt đẹp, thậm chí là gắn bó mật thiết, nhiều bà mẹ chồng đã đổi mới tư duy, nếp nghĩ. Thay vì đòi hỏi, áp đặt theo kiểu “nhập gia tùy tục”; họ mở lòng, sẻ chia, bao dung và thương con dâu như con ruột.
Mẹ chồng thời @...

Quan niệm về mẹ chồng - con dâu thời nay đã khác xưa và để xây dựng mối quan hệ này êm ấm, tốt đẹp, thậm chí là gắn bó mật thiết, nhiều bà mẹ chồng đã đổi mới tư duy, nếp nghĩ. Thay vì đòi hỏi, áp đặt theo kiểu “nhập gia tùy tục”; họ mở lòng, sẻ chia, bao dung và thương con dâu như con ruột.

Vì mẹ anh tôi phải ra đi…

Có trình độ đại học, công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao nhưng Hằng luôn cảm thấy cuộc sống hôn nhân ngột ngạt. 10 năm lên xe hoa là 10 năm chị cảm thấy mình không có tự do, phải sống theo người khác. Mặc dù cố gắng chu toàn việc nhà, sắp xếp công việc khoa học để có thời gian chăm sóc chồng và hai cô con gái, nhưng chị vẫn bị mẹ chồng soi mói đủ điều. Mỗi lần sang thăm gia đình con trai, bà như một giám sát viên, rồi “bới lông tìm vết”. “Sao con không làm thế này thế nọ? Thằng T. nhà mẹ đâu thích ăn cá mà lúc nào cũng thấy con kho cá? Giá phơi quần áo không nên để chỗ này…”, chị Hằng đau đầu khi kể về thái độ của mẹ chồng và thói quen thích chỉ đạo con dâu phải theo ý mình. Không những thế, bà còn tham gia vào mọi chuyện riêng tư của vợ chồng chị. Bà luôn tôn con mình là nhất, học giỏi, thông minh và nói cạnh, nói khóe con dâu có phước mới lấy được con mình. Mới đây, khi nghe con bàn chuyện bán căn nhà trong hẻm để mua căn hộ chung cư cao cấp ở khu đô thị mới, mẹ chồng chị nhảy dựng lên, ngăn cản bằng mọi cách. Thậm chí, bà còn bảo nếu không nghe lời sẽ đòi lại khoản tiền cho vợ chồng chị mua nhà sau khi cưới. Đến nước này thì chị Hằng hết chịu nổi và quyết định chia tay với chồng lẫn gia đình chồng. Chị nói thẳng: “Vì mẹ anh quá đáng, can thiệp sâu vào cuộc sống hôn nhân của em và anh nên chúng ta phải chia tay”.

Tương tự, Thy Anh cũng chọn giải pháp ly thân và tìm tự do riêng cho mình sau khi phải sống chung với bà mẹ chồng cổ hủ, lúc nào cũng tìm cách dạy bảo con dâu theo kiểu xưa. Gia đình chồng chị vẫn giữ nề nếp truyền thống, áp đặt con dâu trưởng “nhập gia phải tùy tục”. Do lãnh trọng trách lớn nhất về thờ cúng gia tiên, nên mỗi khi vào dịp lễ tết, cúng quẩy là chị Thy Anh phải xin nghỉ phép để chuẩn bị lễ cúng, bày biện mâm cỗ theo ý mẹ chồng. Văn hóa và tục lệ của gia đình chồng quá cứng nhắc và khác biệt với gia đình mình khiến chị khó làm quen. Đó là chưa kể, mẹ chồng hay bắt bẻ việc nấu nướng, nêm nếm theo kiểu người Nam khiến chị bị áp lực. Vốn là con gái một, được chiều chuộng và quen ăn khẩu vị của cha mẹ nấu, chị cũng khó làm quen với một số món ăn của gia đình chồng. Thế nhưng chuyện này cũng dễ khắc phục. Còn điều chị không thể chịu được và châm ngòi cho mâu thuẫn ngày một gay gắt chính là việc mẹ chồng hay ngồi lê đôi mách, nói xấu con dâu đủ chuyện. Dù chồng đã nhịn mẹ, van xin vợ hãy hiểu sự khác biệt trong suy nghĩ, lối sống, văn hóa… nhưng chị đành òa khóc. Chị nhất định chọn giải pháp sống ly thân, cởi trói mình khỏi sự ràng buộc, can thiệp của mẹ chồng.

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu giờ đã khác xưa

Mẹ xin làm “dâu”

Bên cạnh những bà mẹ chồng khó tính, cổ hủ, không theo kịp xu thế thay đổi của thời hiện đại, nhiều mẹ chồng thời @ đã chủ động làm mới tư duy và hành động. Hơn ai hết họ hiểu rằng thương con trai thì phải thương cả con dâu - vì “con dâu mới đích thực là con mình”, gần gũi hơn con gái ở xa. Nhìn thấy bà Nhung (nhà ở quận 7, TPHCM) sáng nào cũng đi chợ, rồi tất bật về nhà nấu ăn; chiều đưa cháu đi dạo với vẻ thanh nhàn, hạnh phúc, ai cũng tấm tắc khen ngợi. Về hưu gần 10 năm nhưng bà không cảm thấy buồn mà lấy việc chăm sóc cháu, hỗ trợ vợ chồng con trai làm niềm vui. Biết con dâu vất vả, vừa dạy ở trường lại vừa dạy thêm vất vả nên bà giành làm hết việc nhà để con dâu, con trai yên tâm phát triển nghề nghiệp. Thậm chí, khi con dâu đi làm về, bà cũng giục con ăn cơm rồi chơi với con, chén đũa cứ từ từ hãy rửa. Hiểu mẹ chồng thương mình thật sự và có chuyện gì cũng trao đổi ý kiến nên chị K. luôn cảm kích, coi bà như bạn tâm giao. Khi bà bệnh, chị vào chăm sóc, chuyện trò thân mật, nắm chân nắm tay trìu mến, khiến ai cũng nghĩ chị là con gái ruột của bà.

Tuy chưa có con dâu nhưng nhiều bà mẹ có con trai đã khuyên bảo nhau phải đổi mới tư duy. Họ thường rỉ tai nhau về những câu chuyện đổi vai thời nay, trong đó “mẹ chồng tự nguyện làm dâu” nhiều lắm. Nếu không thể phụ giúp con dâu thì họ cũng không can dự vào việc riêng của gia đình con trai. Thay vì tạo ra khoảng cách, soi mói và “bới lông tìm vết” ở con dâu; họ thường mở lòng, bao dung, kể cả bênh vực con dâu khi bị con trai ngoại tình hoặc đối xử thiếu công bằng. Những bà mẹ chồng công tâm đã cứu được nhiều cuộc hôn nhân bên bờ vực thẳm.

Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, vai trò của người phụ nữ hiện đại đã khác. Họ cũng chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc và quan trọng là nhiều người kiếm được tiền không thua gì đàn ông. Vì thế, các bà mẹ chồng hãy đồng hành, sẻ chia với con dâu, thay vì tạo ra khoảng cách, bắt họ phải tuân theo ý mình hoặc tục lệ của gia đình. Sự đối đầu giữa con dâu và mẹ chồng luôn tạo ra luồng khí độc xâm hại đời sống hôn nhân, phá vỡ hạnh phúc gia đình. Và trong các vụ ly hôn đang gia tăng, nhiều vụ “tan đàn xẻ nghé” cũng vì nguyên nhân người phụ nữ không chịu nổi sự áp đặt thái quá của gia đình chồng, mẹ chồng.

DIỆU HÀ

Tin cùng chuyên mục