Mê tín dị đoan - một biểu hiện của suy thoái

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Đảng tốt là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do mỗi đảng viên tốt. Một đảng với gần 5 triệu đảng viên. Nếu số đảng viên ấy gương mẫu thực hiện và tuyên truyền cho người thân, cho gia đình, làng xóm, khối phố làm theo, chắc chắn chúng ta sẽ bài trừ được mê tín dị đoan, bài trừ được những hủ tục trong cuộc sống.

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Đảng tốt là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do mỗi đảng viên tốt. Một đảng với gần 5 triệu đảng viên. Nếu số đảng viên ấy gương mẫu thực hiện và tuyên truyền cho người thân, cho gia đình, làng xóm, khối phố làm theo, chắc chắn chúng ta sẽ bài trừ được mê tín dị đoan, bài trừ được những hủ tục trong cuộc sống.

Văn hóa Hồ Chí Minh chính là những hoạt động và cống hiến của Người trong cuộc đấu tranh vì con người, cho con người và giải phóng con người. Không những là lãnh tụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời quan tâm đến văn hóa và xây dựng một nền văn hóa mới, đặc biệt là về văn hóa đời sống.

Tranh cướp lộc trong lễ rước “Hoa tre” tại lễ hội đền Sóc đầu năm Đinh Dậu 2017. Ảnh: Q. QUANG

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đời sống thực chất là đời sống mới. Đời sống mới, theo Người, bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Lối sống mới theo người là lối sống có lý tưởng có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Phong cách sống là cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại phải khiêm tốn, giản dị, chừng mực, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn về vật chất, chức quyền, danh lợi; với người thì nhân ái, khoan dung, độ lượng, với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc. Phong cách làm việc là phải sửa sao cho có tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, quá trình xây dựng lối sống mới làm cho nó dần dần trở thành thói quen ở mỗi người, thành phong tục tập quán của cả cộng đồng trong phạm vi địa phương hay cả nước, gọi là nếp sống mới. Nếp sống mới phải kế thừa những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục lâu đời của nhân dân ta. Theo Người, không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới mà chỉ bỏ những cái gì vừa cũ vừa xấu. Cái gì cũ mà không xấu thì phải sửa đổi cho hợp lý như cưới hỏi quá xa xỉ, đơm cúng…

Nhiều năm qua, trong quá trình xây dựng một nền văn hóa mới, các mặt của đời sống văn hóa đất nước đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Trong việc tang, những hủ tục lạc hậu như để người chết quá lâu, chấm xôi vào thi hài người chết để ăn, nằm đường, chống gậy, đội mũ rơm, cúng bái linh đình… đã dần được khắc phục và nhiều nơi đã được loại bỏ hoàn toàn. Có thể nói đây là một trong những thành công rất lớn trong việc xây dựng nền văn hóa mới văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, đặc biệt là phô trương hình thức trong đám tang; rải, đốt vàng mã vô tội vạ; xây cất mồ mả quá to, quá tốn kém diễn ra ở rất nhiều nơi. Một số lễ hội gần đây đã trở nên xô bồ quá mức. Người ta chen lấn nhau để tranh cướp lộc, tranh cướp ấn đền Trần với mong muốn được làm quan. Rất nhiều ngôi chùa, những người đi chùa đã nhét cả tiền lẻ vào miệng các tượng Phật. Người ta ngồi tràn cả ra đường để dâng sao giải hạn…

Kinh điển của Phật giáo đã nói rất rõ Đức Phật không phải là thần linh vì vậy Ngài không ban phước hay giáng họa cho ai. Mấu chốt của Phật giáo là nhân quả: làm lành được phước, làm ác phải chịu tội. Phật giáo không quan niệm ngày tốt, ngày xấu, Phật giáo cũng không tin chuyện cúng sao giải hạn, vậy tại sao mọi người theo Phật giáo lại tin và làm theo những điều này. Ai cũng cầu cho người thân của mình mau chóng vãng sanh nơi miền cực lạc nhưng lại đua nhau đốt vàng mã cho nhiều với mong muốn người âm nhận được thật nhiều... Ngay từ năm 1952 - cái thời mà tập tục cổ hủ còn ăn sâu bén rễ trong lòng xã hội - Hòa thượng Tố Liên, vị cao tăng đạo cao đức trọng của Phật giáo, người đã đưa lá cờ Phật giáo về nước và nay trở thành đạo kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cảnh tỉnh người dân không nên đốt vàng mã. Ngài cho rằng đây là một hủ tục cần phải loại trừ và lên tiếng “Xin hỏi trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy vong hữu. Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần nữa bần tăng thiết tha yêu cầu các ngài bỏ tục vàng mã đi, lại sẽ khuyến hóa mọi người bỏ tục đốt vàng mã đi”.

Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu đảng viên của Đảng vẫn đang tin vào những điều huyễn hoặc ấy, vẫn đang cổ súy cho những điều huyễn hoặc ấy để làm cho đời sống văn hóa, làm cho lễ hội ngày càng trở nên xấu xí?

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống có biểu hiện là mê tín dị đoan. Ranh giới từ niềm tin bằng lòng thành kính đến mê tín dị đoan là một khoảng rất ngắn và nhiều khi rất khó phân biệt.

Tất nhiên, để bài trừ những hủ tục này cần có thời gian và sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò rất quan trọng của giáo dục, của truyền thông, vai trò định hướng và dẫn dắt của các vị chức sắc tôn giáo. Thế nhưng, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên phải được đặt lên hàng đầu. Học Bác, làm theo Bác xin hãy bắt đầu bằng việc nêu gương và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.


VŨ TRUNG KIÊN
Học viện Chính trị khu vực II

 Mời bạn đọc viết bài tham gia chuyên mục và gửi về địa chỉ: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc các email: hoainamsggp@gmail.com và  toasoan@sggp.org.vn.  Xin trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục