Mẹ và mùa xuân

Mùa xuân là mùa của chồi non lộc biếc với nhiều hy vọng cho một năm cây trái tốt tươi. Với mỗi người, mùa xuân cũng luôn là dấu mốc khởi đầu của một năm để hoài bão, ước mơ cho sự may mắn, những điều tốt đẹp. 

Vâng, đúng là mùa xuân ai ai cũng chộn rộn biết bao niềm vui trong không khí lễ tết, thông qua những chuyến du xuân, thăm viếng lẫn nhau, tham dự hội làng... Thế nhưng, với riêng tôi thì từ gần chục năm trở lại đây, mỗi khi mùa xuân tới, tôi không chỉ buồn mà luôn cảm thấy rất buồn, bởi lẽ tôi cứ đau đáu nghĩ về mẹ. Lúc đó, hai hàng lệ trong khóe mắt tôi lại tuôn ròng vì nhớ mẹ, thương mẹ...

Cách đây 8 năm, đúng vào tiết trời mùa xuân mưa bụi, khi hội làng vẫn còn đang trong cảnh vui nhộn nhất, mọi người ai nấy đều xúng xính áo quần đi trẩy hội, thì trên giường bệnh mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng, kết thúc một hành trình cuộc đời đầy gian lao vất vả của mình.

Trong giây phút chuẩn bị lìa xa cõi dương thế, đôi mắt mẹ vẫn nhìn tôi trìu mến như muốn nhắn nhủ điều gì đó, bởi lúc đó mẹ không còn có thể nói được nữa. Vẫn biết rằng: sinh, lão, bệnh, tử là quy luật không ai có thể tránh được, và rồi ngay cả tôi cũng sẽ có ngày phải trở về với cát bụi, nhưng khi mẹ ra đi tôi vô cùng buồn đau, không thiết sống, cuộc đời như không còn ý nghĩa nữa...!

Sở dĩ khi mùa xuân tới, nghĩ về mẹ tôi luôn buồn và thương mẹ, bởi mẹ tôi sinh ra vào đúng mùa xuân, lấy chồng cũng vào mùa xuân, để rồi khi lìa xa nhân thế cũng trong tiết trời xuân của những ngày tháng ba ngút ngàn sắc tím của hoa xoan rơi rụng đầy ngõ quê. Nếu mẹ là một người được hưởng sung sướng hạnh phúc như bao người phụ nữ khác thì tôi không nói làm gì, đằng này, từ lúc sinh ra cho tới khi mất đi, mẹ tôi chưa có bao giờ thoát khỏi nỗi cơ cực vất vả.

Bà ngoại từng kể rằng, thời ấu thơ của mẹ là chuỗi ngày dài túng đói, khi nhà nghèo quá nên mấy anh chị em của mẹ đều không được đến trường để học chữ, mà phải ở nhà để phụ ngoại làm đồng, mò cua bắt ốc bán lấy tiền sinh sống. Ấy vậy mà cái ăn cái mặc cũng đâu có đủ, quanh năm vẫn phải nón mê áo rách, thiếu đói triền miên. Lớn lên, lúc theo bố tôi về làm dâu nhà nội, mẹ cũng không hưởng được niềm hạnh phúc, sung sướng khi mà bà nội tôi vốn là một người rất hà khắc, luôn chửi bới, thậm chí đánh đập mẹ tôi, mặc dù mẹ tôi đâu có làm gì nên tội.

Khi 5 anh chị em chúng tôi ra đời, ngoài việc phải một mình đảm đương hơn mẫu ruộng khoán của HTX (bố tôi đi bộ đội), chăn nuôi heo, gà... thì những khi nông nhàn, mẹ còn phải tranh thủ đi cày thuê, cuốc mướn lo cho các con không bị đứt bữa vì thiếu đói. Anh chị em chúng tôi dẫu có bị thiếu đói trong những độ giáp hạt, nhưng với quần áo mặc thì cũng còn thi thoảng được mẹ mua cho bộ mới vào dịp khai trường, hay ngày tết, còn với mẹ thì suốt những năm tháng ấu thơ của mình tôi chưa bao giờ thấy mẹ tự mua cho mình một bộ quần áo mới bao giờ, khi toàn là áo quần vá chằng vá đụp vô số mảnh.

Bây giờ khi mẹ đã mất rồi, nhớ lại cảnh mỗi sáng sớm mẹ luộc khoai, chiên cơm cho các con ăn để đi học, còn mình nhịn đói ra đồng làm việc tôi thấy rơi nước mắt và vô cùng thương mẹ. Tôi vẫn còn nhớ, có bữa thằng út hỏi mẹ sao mẹ không ăn lại dành hết cho chúng con ăn như vậy (?!), mẹ cười, bảo: “Mẹ ăn rồi!”. Thế nhưng, tôi biết là mẹ nói dối, bởi mẹ không muốn các con bị đói, mà luôn dành dụm để cho các con ăn.

Ngay cả có nhiều bữa, khoai lang mẹ luộc xong, đợi các con ăn xong đâu đó, lúc sau mẹ mới ăn những đầu mẩu, hay những củ khoai dải (khoai nhỏ) mà mấy anh chị em chúng tôi ăn còn dư. Hay như ở các bữa ăn chính, do lâu lâu nhà mới có được một bữa thịt nhân dịp có khách hay cỗ bàn gì đó, mẹ tôi cũng luôn rất dè dặt gắp thịt để ăn, mà mẹ toàn nhường phần cho các con. Khi đó do chỉ ham giành ăn với nhau, chứ cả mấy anh chị em chúng tôi có đứa nào nghĩ đến mẹ. Ôi cứ nghĩ lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm ấy tôi lại càng thương nhớ mẹ...

Tết năm nay đi qua chưa lâu, năm nào cũng vậy hễ tiết trời sang xuân với những cơn mưa phùn giăng kín lối là tôi lại từ thành phố trở lại quê nhà để lo toan cho ngày giỗ của mẹ. Không chỉ riêng mình tôi, tất cả 5 anh chị em dù đi đâu, ở đâu cũng tề tựu đông đủ, bởi dường như khi trưởng thành ai cũng biết suy nghĩ, biết nhìn nhận đến công lao dưỡng dục sinh thành của mẹ cha, nhất là mẹ tôi - một người phụ nữ suốt cả đời chịu cực khổ, chịu nghèo đói, hy sinh tất cả chỉ để lo cho các con ăn học nên người!

Chẳng vậy mà trong đám giỗ lần nào cũng vậy, khi thắp nén tâm nhang trước ban thờ, tôi cũng luôn thì thầm câu nói “cảm ơn mẹ!” và lúc đó, tự nhiên nước mắt lại tuôn ròng...!

Hà Nội xuân 2019

Tin cùng chuyên mục