Miễn cưỡng... nhận sai

Chủ tịch UBND phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TPHCM) vừa lên tiếng xin lỗi gia đình đương sự trong vụ việc hai cô gái đi uống cà phê thì bị đưa về trung tâm bảo trợ xã hội do thiếu giấy tờ tùy  thân. Sự việc xảy ra, sau hơn 10 ngày thì cơ quan chức năng mới nhận sai. 
Người đứng đầu chính quyền phường Tam Bình thừa nhận cán bộ dưới quyền ông chưa nghiên cứu kỹ quy định về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP, dẫn đến hiểu sai từ ngữ, xác định sai đối tượng. Còn bản thân ông, vì tin tưởng cấp dưới nên vội vàng... ký quyết định (!?).
Ngay khi sự việc xảy ra, trên mạng xã hội, báo điện tử, thông tin về vụ việc này lan truyền như bão. Hàng trăm người trích dẫn sự việc, bình luận về thái độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ ở nơi xảy ra sự việc. Một bạn đọc bức xúc vì cán bộ không biết luật, áp dụng không đúng đối tượng, hành vi và đề nghị cán bộ liên quan trong vụ việc “từ chức ngay”. Một số người cho rằng công an thiếu nghiệp vụ căn bản… Cơ quan chức năng phải trả hai cô gái về với gia đình là lẽ đương nhiên, bởi họ không thuộc đối tượng ăn xin hay người vô gia cư. 
Có thể, nếu vừa qua truyền thông không phát huy tác dụng thì có lẽ hồ sơ vụ việc này sẽ bám bụi trong ngăn tủ ở cơ quan nhà nước. Liệu chính quyền dù đã sửa sai, nhưng có dám công khai nhận lỗi?
Trong lúc cán bộ thực thi công vụ, đôi khi sai sót là điều không thể tránh. Tuy nhiên, ít ai ngờ cán bộ nhà nước có thể nhầm lẫn trầm trọng kiến thức căn bản về quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mình đảm trách. Chưa kể, lãnh đạo phường thì viện cớ “tin tưởng anh em” nên… đặt bút ký vội. Đành rằng, hai cô gái trẻ cần tư vấn về luật. Chẳng lẽ, người thi hành pháp luật cũng cần thêm một cơ quan thẩm định, tư vấn lại những kiến thức họ đã học, đã áp dụng.
Bàn tiếp chuyện sửa sai. Mới đầu, ông chủ tịch phường khẳng định chính quyền tạo điều kiện, làm đúng quy trình. Mãi sau hơn 10 ngày dư luận bức xúc, ông mới nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm. Để một cá nhân, cơ quan công quyền tìm hiểu rõ một văn bản pháp luật do cấp tỉnh, thành ban hành lại phải tốn nhiều thời gian đến thế?
Vụ việc tạm thời chấm dứt. Nhiều người vừa mừng, vừa lo. Mừng vì dù sao chính quyền chịu công khai nhận sai, xin lỗi. Lo không chỉ vì nghiệp vụ “hổng” của một bộ phận cán bộ, công chức, mà lo nhiều hơn vì liệu cá nhân, tập thể có miễn cưỡng nhận sai (do sức ép dư luận) trong những trường hợp như thế này? 

Tin cùng chuyên mục