Cổ phiếu LienVietPostBank bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM

Minh bạch để phát triển hiệu quả hơn

Hôm nay, 5-10, 646 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sẽ được phép giao dịch chính thức trên sàn UPCoM. Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cổ phiếu LPB sẽ chào sàn UPCoM với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.800 đồng/cổ phiếu.
Giao dịch tại LienVietPostBank
Giao dịch tại LienVietPostBank
“Mới - Lớn - Minh bạch - An toàn”

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán chính là để minh bạch, nhiều người giám sát mình hơn, mình sẽ tốt hơn. Lên sàn cũng là để thực hiện ý tưởng chiến lược mới cho LienVietPostBank với phương châm là: “Mới - Lớn - Minh bạch - An toàn” nhằm nâng LienVietPostBank lên một tầm cao mới xoay quanh 4 trụ cột chính: quy mô tổng tài sản, quản trị nguồn nhân lực, hiện đại hóa và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế. “Ngay khi ngồi vào ghế Chủ tịch, tôi nghĩ ngân hàng phải lên sàn ngay (cuối năm 2017 lên sàn UPCoM, khoảng 6 tháng đầu năm 2018 lên sàn chính thức)” - TS Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ. Với mạng lưới hiện nay, rất nhiều tổ chức tài chính nước ngoài quan tâm tới LienVietPostBank, bởi đây là phương tiện để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu - ngân hàng của mọi người. Khi đã sở hữu mạng lưới lớn nhất quá thuận lợi cho bán lẻ và huy động vốn, LienVietPostBank dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng một năm bình quân khoảng 30% cả nguồn và sử dụng vốn. 
Minh bạch để phát triển hiệu quả hơn ảnh 1 Ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc LienVietPostBank giải đáp các câu hỏi của nhà đầu tư tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu LPB
Về lộ trình phát triển sau khi lên UPCoM, TS Nguyễn Đức Hưởng cho biết: “Ngay sau khi đưa cổ phiếu LPB lên đăng ký giao dịch trên UPCoM, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và đặc biệt là cho cán bộ nhân viên”. Điểm chính trong kế hoạch phát hành này là làm sao để đảm bảo LienVietPostBank sẽ là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà tất cả các lãnh đạo cho đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình. “Chính sách này nhằm tạo điều kiện để tất cả mỗi thành viên trong hệ thống đều có trách nhiệm với “nồi cơm chung” là uy tín, hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đều có ý thức bảo vệ thương hiệu chung LienVietPostBank. Tất cả đều là cổ đông thì đó cũng chính là trách nhiệm và lợi ích sát sườn của họ” - TS Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh. Hiện nay, LienVietPostBank đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 25%, dành số cổ phần này để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh, có sự gắn bó và đồng hành lâu dài với sự phát triển lâu dài. Trong đó, mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mà LienVietPostBank hướng đến là tổ chức có kinh nghiệm và năng lực thực tế trong hợp tác, cùng thúc đẩy LienVietPostBank nhanh chóng thành công trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển ngân hàng kỹ thuật số, đưa LienVietPostBank vào Top đầu ngân hàng hiện đại trên thế giới. Trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu LPB của LienVietPostBank diễn ra tại TPHCM ngày 2-10, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết hiện tại ngân hàng đang đàm phán bán 25% cổ phần cho một đối tác nước ngoài.

Thế mạnh tạo tiềm năng

Từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là một trong những động lực chính dẫn dắt giúp thị trường chứng khoán chung tăng trở lại và lên vùng cao nhất trong vòng khoảng 10 năm qua. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả khả quan. Từ đó, giá cổ phiếu tăng tới 27%, vượt trội chung so với trung bình của VN Index. Theo bà Hiền, 2017 là năm của cơ hội. Chính sự niêm yết của các ngân hàng đã tạo thêm cơ hội, tăng thêm hàng hóa chất lượng và minh bạch cho nhà đầu tư. 
Minh bạch để phát triển hiệu quả hơn ảnh 2 LienVietPostBank tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu LPB ngày 2-10 tại TPHCM 
Nhận định về cổ phiếu LPB của LienVietPostBank, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng đây là cổ phiếu rất tiềm năng. LienVietPostBank có thể mạnh ở mạng lưới giao dịch với 200 chi nhánh, phòng giao dịch và quyền khai thác 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện. Do đó ngân hàng phải tận dụng thế mạnh này để phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng và huy động tiền gửi. Trong khi đó, ông Phạm Doãn Sơn cũng nhìn nhận, hiện tại LienVietPostBank có thế mạnh về thu hộ, chi hộ, chi trả lương hưu qua hệ thống bưu điện. Lượng vốn huy động qua hệ thống bưu điện khoảng trên 30.000 tỷ đồng, trong khi cho vay ra khoảng 14.000 tỷ đồng. Ông Sơn cũng cho biết ngân hàng sẽ tiến tới việc cung cấp nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng qua hệ thống bưu điện tại các xã. Trả lời câu hỏi liệu LienVietPostBank có sáp nhập vào Sacombank hay không, ông Sơn khẳng định là sẽ không có khả năng này. Ông Sơn cũng khẳng định LienVietPostBank sẽ không mua lại công ty tài chính tiêu dùng như một số ngân hàng, vì các sản phẩm cho vay tiêu dùng sẽ được cung cấp qua hệ thống mạng lưới rộng khắp của ngân hàng.
TS NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank:
“Những năm trước, một đặc điểm của LienVietPostBank là quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, chúng tôi tạm ứng cổ tức cho cổ đông ngay cả khi năm tài chính đó chưa kết thúc. Tuy nhiên, những năm gần đây, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc chi trả và mức trả được xét duyệt trên cơ sở chốt lại kết quả kinh doanh mỗi năm. Cũng vì thế, năm 2016, với kết quả kinh doanh tốt hơn, LienVietPostBank đã quyết định nâng mức chi trả cổ tức từ 8% lên 10%. Với triển vọng từ năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu tỷ lệ chi trả cổ tức những năm tới tối thiểu 12%/năm, phấn đấu để giá trị cổ đông nhận được cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm”
---------------------------------------
* Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3-2008 đến 31-8-2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 150.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt gần 138.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 96.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm đạt 1.289 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng và khả quan, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến tiềm năng của LienVietPostBank với mạng lưới lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần, phủ sóng 63/63 tỉnh thành và đến tận vùng sâu, vùng xa, với hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện.

* Sắp tới LienVietPostBank sẽ phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với giá trị 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu chuyển đổi dự kiến được phân phối cho cổ đông hiện hữu (1.000 tỷ đồng), cho cán bộ công nhân viên (dưới 5% vốn điều lệ, tức dưới 320 tỷ đồng), còn lại là cho cổ đông khác. Ngoài ra, LienVietPostBank đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, với kế hoạch phát hành 104 triệu cổ phần trong năm 2017, gồm 38,76 triệu cổ phần trả cổ tức (tỷ lệ 6%) và 65,25 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán cho cán bộ nhân viên với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tin cùng chuyên mục