Minh bạch giá điện, nhà nào cũng lợi

Sau 6 năm vận hành, theo đúng lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1-1-2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư cạnh tranh về giá điện bán buôn, hướng tới có lợi cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên, việc này đòi hỏi phải minh bạch và giảm độc quyền, nhà đèn và nhà dân mới cùng có lợi.

 

Thủy điện có nhiều lợi thế khi triển khai thị trường phát điện cạnh tranh
Thủy điện có nhiều lợi thế khi triển khai thị trường phát điện cạnh tranh

Nhiệt điện bất lợi hơn thủy điện

Thị trường phát điện cạnh tranh, hiểu nôm na, là cạnh tranh về giá điện bán buôn của các nhà đầu tư, cung cấp điện. Bằng việc có nhiều người bán thì sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau về giá để có mức giá bán điện hợp lý và thấp nhất đến người tiêu dùng. Do đó về lý thuyết, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ có lợi cho người tiêu dùng vì đưa ra được giá sát thực tế.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), sau khi lộ trình xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bắt đầu vận hành kể từ ngày 1-7-2012, đến tháng 9-2018, cả nước đã có 87 nhà máy tham gia giao dịch mạng lưới bán buôn điện cạnh tranh, với tổng công suất lên tới 22.946MW - tăng 2,8 lần so với thời điểm cách đây 6 năm (chỉ có 31 nhà máy). Hiện nay, chúng ta mới đang áp dụng thị trường phát điện cạnh tranh ở kênh bán buôn, tập trung về một đầu mối, các nhà máy chào giá thấp sẽ được huy động trước để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, sau đó đến các nhà máy có giá chào cao hơn cho tới khi đáp ứng được nhu cầu phụ tải.

Mặc dù tạo cơ chế để các doanh nghiệp sản xuất điện cạnh tranh bình đẳng nhưng theo nhiều chuyên gia, thị trường phát điện cạnh tranh đang có lợi hơn cho các nhà máy thủy điện bởi chi phí đầu tư thấp, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu đầu vào. Trong khi các nhà máy nhiệt điện phải phụ thuộc chi phí đầu vào ở mức cao, liên tục biến động, nên phải chào giá bán điện theo chi phí biến đổi của nhiên liệu. Ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1), chia sẻ, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi nên giá thị trường trong ngày thay đổi theo từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng giảm tải nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện cũng có những khó khăn riêng như phụ thuộc vào nguồn nước, điều kiện thời tiết. Những năm gần đây, lượng mưa thất thường, không theo quy luật nên các nhà máy thủy điện khó chủ động sản xuất như kế hoạch. Vào mùa lũ mà chu kỳ phụ tải thấp thì nhiều nhà máy cũng phải chạy công suất thấp để điều chỉnh điện áp hệ thống trong các giờ thấp điểm hoặc các ngày có phụ tải thấp, gây ảnh hưởng đến doanh thu và tăng tỷ lệ điện tự dùng...

Phải minh bạch và hướng tới người tiêu dùng

Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau thời gian thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, bước đầu đã hình thành được cơ chế tương đối cạnh tranh khi hợp đồng mua bán điện dựa trên cơ sở chào giá từ thấp đến cao. Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp tham gia vẫn còn băn khoăn khi mức giá trần chưa đủ cao trong khi mức giá sàn lại rất thấp (1 đồng/kWh). Điều này dẫn đến giá bán bình quân trên thị trường luôn thấp hơn so với giá bán điện trong hợp đồng (giá bán bình quân trên thị trường lúc cao điểm vào các tháng mùa khô cũng chỉ dao động ở mức 1.100 đồng/kWh). Vì vậy, các doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Công thương có biện pháp xem xét tính toán giá trần thị trường phù hợp để giá thị trường phản ánh đúng với quy luật cung - cầu. 

GS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng, trong quá trình thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, khi có nhiều bên bán mà chỉ có một bên mua nên đã từng xảy ra việc ép giá, độc quyền và đề nghị phải dần tính đến giảm bớt độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua tái cơ cấu. Bởi mục tiêu của vận hành thị trường phát điện cạnh tranh là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nếu chỉ có cuộc cạnh tranh về giá mua - bán giữa các đơn vị kinh doanh điện với nhau mà không tác động đến giá bán lẻ, người tiêu dùng bị đứng ngoài cuộc, không được biết rõ về các yếu tố cấu thành giá điện… thì mục tiêu thất bại. Vì thế, không phải cứ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là có giá rẻ, giảm giá mà phải giảm độc quyền, đảm bảo có cạnh tranh đúng nghĩa.

Lộ trình triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ vận hành chính thức trong năm 2019. Bộ Công thương đang hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho thị trường bán buôn. Khó khăn hiện nay là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các tổng công ty điện lực, vì hiện khâu phát điện - đầu vào thì đã áp dụng cơ chế cạnh tranh, nhưng giá bán lẻ - đầu ra thì vẫn tiếp tục điều tiết. Để bảo đảm tính minh bạch của thị trường điện, sẽ tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN, thực hiện hạch toán độc lập theo mô hình công ty TNHH một thành viên.

Tin cùng chuyên mục