Minh bạch quyền được thông tin

Việc thông qua Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII vào tháng 4-2016 đã từng được xếp hạng là sự kiện số 1 trong 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành tư pháp.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có luật về TCTT, giúp hiện thực hóa quyền TCTT của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Bên cạnh đó, như đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ tại quyết định công bố 10 sự kiện nêu trên, “việc ban hành Luật TCTT còn góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, góp phần nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả”.

Kỳ vọng đặt vào luật là rất lớn như vậy, nhưng đúng như Quốc hội đã lường trước khi quy định thời hạn có hiệu lực của luật là từ ngày 1-7-2018 (gần 2 năm rưỡi sau khi được cơ quan lập pháp thông qua, dài hơn nhiều so với thông lệ là 6 tháng), việc đưa luật này đi vào cuộc sống là vấn đề không dễ dàng. Cuộc tọa đàm xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật TCTT do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 27-9 tại Hà Nội tiếp tục làm rõ vấn đề này. Dự thảo nghị định sẽ được Bộ Tư pháp trình Chính phủ vào tháng 10 và ban hành vào cuối năm 2017.

Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu thống nhất cho rằng, nghị định là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo Luật TCTT đến được với rộng rãi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đây là những nhóm thường gặp khó khăn nhất trong quá trình tiếp cận với những thông tin, chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, các biện pháp phải hài hòa giữa quyền của người dân và khả năng của cơ quan nhà nước, phù hợp với điều kiện tiếp cận của người dân, chứ không phải điều kiện cung cấp của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền TCTT của mọi công dân theo quy định của Hiến pháp và luật, dự thảo nghị định cần mở rộng sang các nhóm dân khác và bổ sung các quy định để đảm bảo rằng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không chỉ dừng lại ở việc “tạo điều kiện” cho các đối tượng yếu thế trong TCTT và thu phí (?) - điều này chưa thể hiện rõ trong dự thảo.

Đây là một băn khoăn rất có cơ sở. Dự thảo nghị định cũng chỉ mới dừng lại ở việc yêu cầu cơ quan có trách nhiệm “cung cấp thông tin kịp thời”, nhưng chưa quy định cụ thể “kịp thời” là bao nhiêu ngày kể từ khi nhận được yêu cầu. Khoản 2 Điều 15 của dự thảo cũng đặt ra một vấn đề rất đáng quan tâm khác. Theo đó, việc cung cấp thông tin sẽ chỉ giới hạn ở những thông tin được tạo ra sau ngày 1-7-2018 (ngày Luật TCTT có hiệu lực thi hành).

Quy định trên dường như đang đi ngược lại với tinh thần của Luật TCTT, khi mà tinh thần chung của luật là bảo đảm quyền TCTT và thu hẹp “khoảng trống” trước đây về công khai, minh bạch thông tin nói riêng và quyền TCTT nói chung. Luật TCTT không có quy định nhằm giới hạn phạm vi điều chỉnh là chỉ gồm các thông tin được tạo ra từ sau ngày luật có hiệu lực, hơn nữa, thời điểm luật có hiệu lực kể từ ngày được thông qua đã được kéo dài chính là để các cơ quan nhà nước xây dựng năng lực cho cán bộ cung cấp thông tin và chuẩn bị cơ sở hạ tầng để cung cấp thông tin cho công dân, bao gồm thông tin được tạo ra trước ngày có hiệu lực.

Công luận đang trông đợi sau quá trình chuẩn bị nghị định sẽ đưa ra được những quy định hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả của những quy định rất tiến bộ đã có trong luật, đi vào cuộc sống, đáp ứng quyền được thông tin của mọi người dân.

Tin cùng chuyên mục