Minh bạch trong đấu thầu dự án giao thông

Trong việc đầu tư thực hiện các dự án giao thông, có những kẽ hở, khoảng trống thủ tục hành chính pháp lý có thể bị lợi dụng, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.

 Do bị “phù phép” trong đấu thầu, nhiều dự án giao thông dù có tổ chức đấu thầu nhưng lại chọn nhằm nhà thầu kém năng lực, thiếu khả năng tài chính, làm đội vốn đầu tư, gây chậm trễ, thiệt hại cho xã hội, làm ra công trình kém chất lượng. 

Theo quy định, có nhiều hình thức đấu thầu, nhưng thực tế vẫn còn phổ biến các tình trạng đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, tự thực hiện, thường được viện dẫn do trường hợp đặc biệt như lợi ích quốc gia, thiên tai, thử nghiệm, những vấn đề cấp bách. Hoặc dùng cách xé nhỏ, phân chia gói thầu lớn thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu theo quy định với giá trị dưới 1 tỷ đồng. Thậm chí có trường hợp bỏ thầu bằng mọi giá, sau đó xin điều chỉnh nâng giá trị gói thầu lên gấp nhiều lần giá trị ban đầu dự thầu. Tất nhiên có sự tiếp tay từ chủ đầu tư. Đấu thầu với các mánh khóe, lắm khi chỉ là hình thức giống như diễn kịch, vì đã biết trước đơn vị trúng thầu, phân chia khu vực này của tôi, khu vực kia của anh, giới xây dựng thường gọi là “quân xanh”, “quân đỏ”. Cũng có trường hợp tổ chức đấu thầu với đầy đủ đơn vị tham gia nhưng làm “chân gỗ” (từ dùng chỉ những nhà thầu tham dự cho đủ thành phần theo quy định nhưng không bao giờ trúng thầu), tất nhiên là “chân thật” sẽ trúng thầu như ý đồ đã dàn xếp trước đó. 

Chủ đầu tư có rất nhiều cách lợi dụng kẽ hở chính sách để tạo lợi thế và chỉ “phe cánh”, “thân hữu” mới đáp ứng được yêu cầu. Lợi dụng Luật Đấu thầu cho phép chủ đầu tư hoặc bên mời thầu được quyền chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt hoặc khi chỉ có một nhà thầu tham gia dự thầu. Thế là chủ đầu tư có thể viện dẫn trường hợp đặc biệt là sự cấp bách giải quyết giao thông, hay lạm dụng đưa vào hồ sơ mời thầu những yêu cầu khá ngặt nghèo mà chỉ những “phe cánh”, “thân hữu” mới có, chẳng hạn như phải có chi nhánh tại địa phương thực hiện dự án từ vài năm trở lên. Nếu “phe cánh”, “thân hữu” là những nhà đầu tư hay nhà thầu lớn, thì chủ đầu tư đặt ra tiêu chí vượt quá yêu cầu về tài chính, kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn để loại các đối thủ nhỏ hơn. Lúc này những nhà thầu khác không thể tham gia, hoặc không đủ điều kiện tham gia. Trong khi nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực thực sự lại bị mất đi cơ hội vì không quan hệ thân quen, bắt tay, móc ngoặc.

Đấu thầu là một trong các yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong thực hiện đầu tư, thi công xây dựng. Để chọn nhà thầu tốt nhất, phải cạnh tranh công bằng, không thể có diễn kịch trong đấu thầu, chống cho được nạn “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Quy trình thực hiện dự án từ khâu quy hoạch đến khảo sát, thiết kế phải công khai. Cơ quan nhà nước, chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách phải thực hiện theo đúng quy định, tuân thủ pháp luật, mà cụ thể là Luật Đấu thầu. Nghĩa là những gì không có quy định thì không đưa vào hồ sơ mời thầu (như buộc phải có văn phòng, trụ sở ở nơi dự án, hay yêu cầu bất hợp lý khác). Với những trường hợp đặc biệt cho phép đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, tự thực hiện, thì cần lượng hóa, nêu cụ thể và đưa hẳn vào quy định pháp luật, tránh cơ chế “xin - cho”. 

Khâu tổ chức đấu thầu phải minh bạch hơn và chi tiết trong xử lý các trường hợp được cho là đặc biệt, chỉ có một đơn vị tham gia, nhất là xử lý nghiêm tổ chức cũng như cá nhân sai phạm, xử lý kịp thời và chính xác khi có khiếu nại về tiêu cực trong đấu thầu. Nên có đại diện chuyên môn không bị ràng buộc bởi chủ đầu tư để làm đầu mối tổ chức đấu thầu, xử lý những khiếu nại liên quan đến đấu thầu. Ngoài thanh tra chuyên ngành, cũng cần sự vào cuộc thường xuyên của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thậm chí là Ủy ban Giám sát của Quốc hội với các dự án lớn có dấu hiệu tiêu cực. 

Tin cùng chuyên mục