Minh thề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy.

 

Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản công nhận hội Minh thề, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, lễ hội được coi là độc nhất vô nhị về chống tham nhũng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội là sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách.

Tương truyền, chùa Hòa Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 13, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ 16, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hòa Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

Thái hoàng Thái hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…

Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã cùng dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.

Lễ hội Minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hòa Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Cùng được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này còn có 11 di sản khác thuộc 4 loại hình gồm: Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian. 

Cụ thể là lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; Nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Lễ hội Điện Trường Bà, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi; Lễ hội Tiên Công, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội Lồng tồng của người Tày, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; Nghệ thuật Khèn của người Mông, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; Hò khoan Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer, tỉnh Trà Vinh; Lễ hội Trò Ngô làng Giàng, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; Múa sư tử của người Tày, Nùng, tỉnh Lạng Sơn.

Tin cùng chuyên mục