Mở cửa cho vay bất động sản và tiêu dùng

Ngày 11-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo công bố các giải pháp điều hành lãi suất và tín dụng trong thời gian tới. Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với việc giảm lãi suất, NHNN sẽ có các giải pháp mở cửa cho vay trong lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng...
Mở cửa cho vay bất động sản và tiêu dùng

Ngày 11-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo công bố các giải pháp điều hành lãi suất và tín dụng trong thời gian tới. Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với việc giảm lãi suất, NHNN sẽ có các giải pháp mở cửa cho vay trong lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng...

  • Lãi suất cho vay sẽ còn 13% - 16%/năm

Lý giải về lý do giảm trần lãi suất huy động VND và các lãi suất điều hành của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô trong 3 tháng đầu năm và những ngày đầu tháng 4 đang có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2; CPI 3 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 2,55%, mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới cũng có nhiều thuận lợi, các khu vực kinh tế lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đều đang khởi sắc, dù chưa thật vững chắc. Thêm nữa, từ đầu năm đến nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có nhiều cải thiện tích cực.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, với các giải pháp mà NHNN điều hành, so với quý 4-2011 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2% - 3%. Với việc giảm trần lãi suất huy động xuống 12%/năm từ ngày 11-4, trong thời gian tới lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được ưu tiên sẽ còn khoảng 13% - 16%/năm. Tại cuộc họp mới đây với NHNN, 14 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam đã nhất trí và bày tỏ quan điểm ủng hộ mục tiêu này. “Chiều hướng giảm lãi suất cho vay gần như là chắc chắn, không tránh khỏi, nhiều TCTD sẽ đi trước đón đầu để tạo khách hàng” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

  • Thêm 50% đối tượng được vay vốn

Về lo ngại việc tín dụng tăng trưởng âm trong quý 1 sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6% GDP cả năm 2012 mà Chính phủ đã đề ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: theo số liệu tổng hợp của NHNN, từ cuối năm 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm hơn 1%. Tuy nhiên, cuối năm 2011, có một số TCTD tăng tín dụng “ảo” với mức rất cao để đón đầu chủ trương phân bổ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 của NHNN. Và đến những tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của các TCTD này đã giảm rất mạnh. Nếu loại trừ yếu tố “ảo” trong các trường hợp đó, thì tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong quý 1 chỉ giảm khoảng 0,4%. Thống đốc khẳng định: So với những năm gần đây, đây là con số không đáng ngại. Nếu như các tháng còn lại của năm 2012, tín dụng tăng khoảng 1,5% - 2%/tháng thì vẫn bảo đảm mục tiêu đề ra tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% - 17%. Qua đó, hỗ trợ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 khoảng 6%. Để thực hiện mục tiêu này, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN.

Giao dịch tại Ngân hàng SCB. Ảnh: KIM NGÂN

Giao dịch tại Ngân hàng SCB. Ảnh: KIM NGÂN

NHNN cũng đã nới lỏng cho vay một số nhóm đối tượng trong các lĩnh vực không khuyến khích cho vay. Trước đây, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng thuộc nhóm không khuyến khích cho vay. Nay với cho vay tiêu dùng hầu như đã mở hết, chỉ còn cho vay tiêu dùng ở nước ngoài là không khuyến khích. Đối với bất động sản cũng vậy. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trước đây, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chúng ta phải thắt chặt tín dụng, đưa bất động sản vào lĩnh vực không khuyến khích cho vay. Nhưng đến nay, như tôi đã nói, lạm phát bước đầu được kiềm chế, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, nên phải tính đến chuyện tháo dần những lĩnh vực đã hạn chế cho vay trước đây”. Người đứng đầu NHNN cho rằng, hiện giá nhà ở đã giảm xuống mức phù hợp với nhiều phân khúc khác nhau. Khi mở lĩnh vực này sẽ giải phóng hàng tồn kho về nhà ở, tạo ra sự chu chuyển dòng vốn hợp lý hơn. Tháo gỡ khó khăn về vốn cho bất động sản còn giúp được nhiều lĩnh vực sản xuất khác như xi măng, sắt thép, xây dựng, giải quyết được việc làm cho người lao động. Với hệ thống ngân hàng, khoảng 60% dư nợ có đảm bảo là bất động sản nên việc “tháo ra” cũng sẽ tạo điều kiện xử lý nợ xấu trong hệ thống.

Với những giải pháp trên, theo ông Bình, khoảng 50% đối tượng vay vốn sẽ được loại trừ ra khỏi các lĩnh vực không khuyến khích cho vay. Trong khi đó, NHNN vẫn yêu cầu giữ nguyên tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích tối đa là 16% tổng dư nợ cho vay. Nghĩa là dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích sẽ tăng lên gấp đôi. 

BẢO MINH

Nhiều ngân hàng hạ lãi suất huy động và cho vay

(SGGP).- Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định hạ trần lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 13%/năm xuống 12%/năm, áp dụng từ ngày 11-4, ở TPHCM, nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi suất huy động mới. Trong đó, có một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động chưa tới 12%/năm.

Cụ thể, Ngân hàng Á Châu (ACB) huy động tiền gửi VND kỳ hạn từ 1-3 tuần với lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 1-9 tháng (lãi cuối kỳ) lãi suất 11,88%/năm; kỳ hạn 12-13 tháng, lãi suất 12%/năm. Đối với kỳ hạn từ 24-36 tháng, lãi suất huy động từ 10,09% đến 11,40%/năm. Ngân hàng Đông Á (DongAbank) cũng giảm lãi suất huy động về 11,89%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 3 tháng lãi suất còn 11,96%/năm; kỳ hạn 6 tháng lãi suất 11,98%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-11 tháng là 11,95%/năm, áp dụng với cả cá nhân và tổ chức. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hạ lãi suất huy động không kỳ hạn về 2,5%/năm; kỳ hạn từ 1-36 tháng là 12%/năm. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã áp dụng các sản phẩm tiết kiệm bằng VND có kỳ hạn từ 1-12 tháng với mức lãi suất tối đa là 12%/năm. Đối với sản phẩm tiết kiệm 1 ngày, ABBank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 3.95%/năm và 4%/năm cho tiết kiệm thực gửi. VIB cũng hạ lãi suất huy động không kỳ hạn về 2,4%/năm; kỳ hạn 1-3 tuần là 4%/năm; kỳ hạn từ 1-12 tháng là 12%/năm; kỳ hạn 15-36 tháng là 11%/năm…

Bên cạnh đó, sau khi NHNN công bố giảm các lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, từ ngày 11-4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank) cho biết, từ 10-4 đến 31-5-2012, ngân hàng này sẽ dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất áp dụng chỉ còn từ 15%. Mức lãi suất này được dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu…

Các ngân hàng nước ngoài cũng tham gia vào việc giảm lãi suất. Ngày 10-4, Ngân hàng HSBC Việt Nam thông báo giảm thêm 1% lãi suất cho tất cả các khoản vay thế chấp. Trước đó, trong tháng 2 và 3-2012, HSBC Việt Nam cũng đã lần lượt giảm lãi suất cho vay mỗi lần 1%/năm. Ngoài ra, HSBC Việt Nam cũng đang triển khai chương trình ưu đãi 0% lãi suất tháng đầu tiên cho tất cả các khoản vay, áp dụng đến 29-6-2012.

H.NHUNG

Tin cùng chuyên mục