Mở ổ khóa,làm chìa:nghề sắp thất truyền!

Mở ổ khóa,làm chìa:nghề sắp thất truyền!

Chú Năm Tài, nay đã ngấp nghé tuổi xưa nay hiếm - với gần 50 năm trong nghề - đã tuyên bố rằng, tủ sắt đời mới nhất của ngân hàng chú cũng mở được với điều kiện duy nhất là… được tiếp cận! Tuy nhiên, do phải luôn giữ mình trong sạch, tránh xa cám dỗ đời thường… các thợ làm chìa, sửa khóa không dám truyền nghề cho ai. Vì vậy, nghề sửa khóa, làm chìa sắp thất truyền!

Làm chìa, nhưng ngó… con mắt!

Mở ổ khóa,làm chìa:nghề sắp thất truyền! ảnh 1

Một điểm làm chìa khóa trên đường Nguyễn Trãi, Q1. Ảnh: CAO THĂNG

Nói đến đường Phùng Hưng (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo B đến Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM) người ta nghĩ ngay đến phố ngành in và văn phòng phẩm. Ít ai để ý rằng đoạn đường Phùng Hưng còn có một tên gọi khác: tuyến đường sửa khóa. Không ở đâu trên thành phố này và cũng có thể là của cả nước, lại có đoạn đường đặc biệt như vậy. Đoạn đường chưa đến 200m mà có đến hơn 10 hàng sửa khóa.

Cao tuổi nhất trong các thợ sửa khóa tại đoạn đường Phùng Hưng là chú Năm Tài, chủ gian hàng Tuyền Ký. Vóc người nhỏ nhắn, tóc chải ngược ra phía sau và bóng mượt nên trông chú trẻ hơn nhiều so với tuổi. Chú Năm gốc người Hoa nên nói tiếng Việt lơ lớ: “Ngộ năm nay 67 tuổi dzồi. Ra nghề từ năm 1966 lận. Hồi đó, ngộ đặt cái bàn ở ngoài ngã tư, xéo xéo cái cổng chùa. Sau này, dọn vô trong đây. “Pây” giờ làm ế ẩm lắm, không “pằng” hồi đó đâu!”.

Các gian hàng sửa khóa nằm san sát nhau nhưng không hề có chuyện giành giật, la í ới gọi mời. Khách hàng vào gian hàng nào, chủ gian hàng đó tiếp. Thậm chí ổ khóa mới quá, họ còn trao đổi với nhau và tìm cách khắc phục. Bởi lẽ, chủ nhân các gian hàng sửa khóa đều có “dây mơ, rễ má”, bà con họ hàng với nhau. Không là “con chú, con bác” thì cũng “anh em bạn dì”. Phần lớn các gia đình thợ sửa khóa đều ở xung quanh khu vực “Đèn 5 ngọn” (khu Soái Kình Lâm, ngã tư Trần Hưng Đạo B – Phùng Hưng).

Cách đây không lâu, do bất cẩn tôi đã để quên chìa khóa trong nhà. Buổi tối, các thợ sửa khóa đều nghỉ nên tôi không còn cách nào khác là phá ổ khóa. Tôi đang hì hục cưa ổ khóa, anh bạn hàng xóm về đến và đưa tôi đi “thỉnh” ông thợ sửa khóa, nhà ở tuốt trên quận Gò Vấp. Chỉ với 2 thanh thép nhỏ và dài như cây móc lỗ tai, vậy mà chưa đầy 2 phút cái ổ khóa của tôi đã ngoan ngoãn bật tung ra. “Ông mở khóa hay quá. Có khi nào mấy thằng ăn trộm nhờ ông mở khóa giùm không?”. Không cần suy nghĩ, anh thợ sửa khóa nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Sao không! Thậm chí tụi nó còn nói thẳng, chia cho tôi bao nhiêu phần trăm trong vụ “nhập nha” đó. Nhưng tôi đâu dám làm bậy!”.

Khác với anh thợ sửa khóa đã giúp tôi vào nhà vào tối đó, anh Lưu Văn Đức, 24 tuổi, con chú Năm Tài sửa khóa trên đường Phùng Hưng, cho biết: “Ngoài dạy nghề mở khóa, làm chìa thì ba của tôi còn dạy cách nhìn người. Lúc đầu cũng hơi khó tiếp thu, còn bây giờ nhìn khách hàng là tôi biết ai thật, ai gian liền. Trong lúc mở khóa hay làm chìa mình cứ lén nhìn con mắt và điệu bộ khách hàng là biết liền”.

Hầu như các thợ sửa khóa đều ít nhất một lần trong đời, gặp kẻ gian yêu cầu mở khóa, làm chìa. Tùy theo trường hợp mà từ chối nhưng những người thợ sửa khóa mà tôi từng gặp đều không nhận làm chìa khóa theo mẫu do khách hàng đưa là cục bột, xà bông hay vẽ trên giấy!

Nghề khó truyền!

Làm chìa đã có máy móc hỗ trợ nhưng mở khóa thì vẫn chưa có máy móc nào giúp đỡ. Công việc vẫn đòi hỏi kỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng của người thợ.

Kinh tế ngày càng phát triển, của cải ngày càng có giá trị và kéo theo ý thức bảo vệ tài sản của người dân ngày càng cao. Nắm bắt thị hiếu này, nhà sản xuất càng ngày càng nâng cao tính bền vững của ổ khóa. Nhà sản xuất thay thế ruột khóa bằng bi sang thép ống, thép lá; chìa khóa chuyển từ dẹp sang tròn hay trái khế; nguyên liệu sản xuất ổ khóa ngày càng cứng cáp hơn và che chắn đủ chiều theo dạng “chống cưa, chống cắt”.

Tuy nhiên, theo chú Năm Tài thì tất cả các ổ khóa dù bền vững đến đâu cũng chế tạo theo nguyên lý sắp xếp bi, thép miếng và mở bằng chìa, nếu có thời gian nghiên cứu thì người thợ vẫn mở được. Thậm chí chìa khóa xe hơi dài gần 10 phân và khóa cửa bằng điện thì người thợ vẫn có cách “trị”.

Chú Năm Tài cho biết: “Khi xưa mình chỉ cần nạy mấy tấm roan hay đè kiếng xuống là có thể thò tay vào mở cửa. Nay, xe đời mới có khóa cửa bằng điện và kiếng xe cũng khóa bằng điện, có chốt chặn nên không thể đè kiếng hay nạy mấy tấm roan như trước. Người thợ phải mày mò nạy từng viên bi, lá thép trong ổ để mở tung ổ khóa”. “Khóa số bằng điện như két sắt đời mới bây giờ chú có mở được không?”. Anh Đức, con chú Năm Tài cười cười: “Cái đó còn dễ hơn nữa.

Như đã nói, nghề sửa khóa, làm chìa thường bị kẻ gian lợi dụng. Chỉ cần một chút sơ hở là người thợ sửa khóa trở thành đồng phạm. Chính vì thế mà người thợ sửa khóa rất dè dặt trong truyền nghề; thậm chí khi thấy con, cháu không đứng đắn, chững chạc thì người thợ cũng không dám dạy nghề.

Chia tay với tôi, anh Đức nói: “Khóa càng ngày càng tốt, đã vậy còn kèm quá nhiều chìa, nên bây giờ vắng khách lắm. Từ năm 2001, mấy chú công an tập trung hết các gian hàng sửa khóa về đoạn đường này để dễ quản lý nên càng khó làm ăn!”. Nghề sửa khóa, làm chìa không còn thịnh hành như trước nữa. Nghề đặc biệt nhạy cảm nên không thể truyền dạy đại trà. Nghề sắp thất truyền!.


ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục