Mở rộng cơ hội để hàng Việt tiếp cận nhiều thị trường

Trong khuôn khổ diễn ra Tuần lễ hàng Việt Nam 2018 với chủ đề “Việt Nam mạnh mẽ đầy sức sống” do Bộ Công thương và UBND TPHCM chủ trì, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã kết nối và hỗ trợ hơn 600 sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày và bán tại hơn 300 điểm phân phối, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị của Tập đoàn FairPrice - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Singapore. Ngược lại, về phía Tập đoàn FairPrice cũng cho biết, sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam từ nay đến năm 2020. 
Hàng Việt Nam được tập đoàn NTUC FairPrice bày bán tại hơn 300 cửa hàng, siêu thị tại thị trường Singapore
Hàng Việt Nam được tập đoàn NTUC FairPrice bày bán tại hơn 300 cửa hàng, siêu thị tại thị trường Singapore

Chinh phục thị trường khó tính

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết 2 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao 45 năm. Cách đây 5 năm, 2 nước đã nâng lên thành quan hệ hợp tác chiến lược. Cùng với thời điểm này, NTUC Fair Price và Saigon Co.op thực hiện liên doanh và đưa vào hoạt động siêu thị đầu tiên Co.op Extra Plus tại Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp 2 nước tăng cường hợp tác, kết nối và cùng nhau phát triển thị phần. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước không dừng lại ở hoạt động này mà thời gian tới còn được mở rộng theo hướng tận dụng nội lực và thế mạnh của nhau. Hiện doanh nghiệp Việt Nam có nội lực sản xuất tốt, nhất là với những sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Những sản phẩm này cũng đang rất được người tiêu dùng thị trường Singapore ưa chuộng. Riêng doanh nghiệp Singapore lại có kinh nghiệm về công nghệ. Sự hỗ trợ thế mạnh của nhau sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước phát triển mạnh hơn, không chỉ ở thị trường 2 nước mà còn tăng cường mở rộng ra khu vực.  

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho hay thực hiện chủ trương ủng hộ và phát triển hàng hóa Việt Nam thông qua chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh việc ưu tiên quảng bá kích cầu hàng Việt tại các kênh phân phối nội địa, Saigon Co.op đã phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức xúc tiến các chương trình xuất khẩu và quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam đến thị trường quốc tế, trong đó có Singapore. Đến nay, tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm là hơn 200 containers hàng hóa với các chủng loại sản phẩm đa dạng, bao gồm cá ba sa phi lê, tôm, khoai lang, dưa lưới, bưởi da xanh, dừa… và nhiều mặt hàng thực phẩm công nghệ. 

Đánh giá về khả năng khai thác thị trường Singapore của doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn NTUC Singapore khẳng định hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn thứ 4 vào thị trường Singapore. Chỉ tính riêng sản phẩm gạo thì Việt Nam đã chiếm 20% trong tổng lượng gạo bán ra tại cửa hàng FairPrice của Singapore. Ngoài ra, còn có những sản phẩm khác như hoa quả tươi, hải sản đông lạnh, chất tẩy rửa, sữa tươi… đã được người tiêu dùng nước này chấp nhận, thậm chí đang có nhu cầu sử dụng ngày càng cao. 

Tăng tiêu thụ nội địa

Mặt khác, cùng với việc mở rộng nguồn cung cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Singapore, đại diện Tập đoàn NTUC FairPrice cho biết đang lên chiến lược mở rộng đầu tư hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2018, tập đoàn sẽ đưa vào hoạt động thêm siêu thị Co.op Extra, nâng tổng số lên 4 siêu thị. Ngoài ra, đến năm 2020, tập đoàn sẽ đầu tư và đưa vào hoạt động 100 cửa hàng tiện lợi Cheers. Từ tháng 5-2013 đến nay, Saigon Co.op đã thành lập liên doanh với NTUC FairPrice phát triển thành công 3 đại siêu thị Co.opXtra tại quận Thủ Đức, quận 1, quận 10 và hơn 12 cửa hàng tiện lợi 24h Cheers tại các quận nội thành TPHCM. 

Theo khảo sát người tiêu dùng của Savills tại TPHCM, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015. Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể với sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu trong nước lẫn quốc tế. 

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường đầu tư tiềm năng, bởi ngành này đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều, dân số trẻ cao... Ông Nguyễn Anh Đức nói thêm, Saigon Co.op tiếp cận và chuyển đổi nhanh công nghệ ứng dụng trong hệ thống bán lẻ hiện đại như thực hiện nhãn điện tử, quản lý và mua hàng thông qua hệ công nghệ quét mã code, triển khai mô hình vừa trải nghiệm vừa mua hàng cho khách hàng, thanh toán bằng ví điện tử…

Dự kiến, cuối năm 2018, Saigon Co.op đưa vào hoạt động mô hình “Scan and go”. Mô hình này cho phép người tiêu dùng có thể trải nghiệm việc mua hàng và thanh toán bằng điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm thời gian và tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op. 

Hiện so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Điều này đã tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thức kênh phân phối hiện đại cần có sự thay đổi nhất định.

Theo đó, những mô hình bán lẻ mới sẽ tích hợp với các tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh, các nhà bán lẻ không nên phân biệt bán lẻ online hay offline mà phải tích hợp mô hình bán lẻ đa kênh để đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Và hơn hết, tất cả sự thay đổi đều hướng đến người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục