Mở rộng đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng

Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của doanh nghiệp (DN) trên các phương tiện truyền thông; xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ… là những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào các chuỗi cung ứng.
DN công nghiệp hỗ trợ TPHCM giới thiệu sản phẩm tại ngày hội Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018
DN công nghiệp hỗ trợ TPHCM giới thiệu sản phẩm tại ngày hội Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018
Tăng tỷ lệ nội địa hóa

Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, kết quả khảo sát của JETRO cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa năm 2017 của Việt Nam đạt 33,2%, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như Trung Quốc (hơn 67%), Thái Lan (gần 57%), Indonesia (hơn 45%). Hơn nữa, trong 33,2% tỷ lệ cung ứng nội địa, DN bản địa chỉ cung ứng có 13,1%. Do đó, để tăng cường thu hút các DN FDI cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa trong thời gian tới. 

Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Vasi), cho biết qua khảo sát của Vasi về khả năng cung ứng linh kiện công nghiệp hỗ trợ như nhựa, cao su, điện - điện tử thì phần lớn linh kiện công nghiệp phụ trợ là nhập khẩu, chiếm tỷ lệ hơn 90%. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức của các DN nội. Để có thể đáp ứng được yêu cầu cung ứng sản phẩm phụ trợ, đòi hỏi DN phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn của DN FDI đầu cuối. Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ tham gia cung ứng sản phẩm phụ trợ của DN nội địa còn thấp, ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và thương mại Lidovit, nhận xét do năng lực nội tại của DN nội chưa đáp ứng được yêu cầu về thiết bị công nghệ, quản trị, nhân lực, hệ thống kiểm soát… Để khắc phục tình trạng này phải cần nhiều năm mới có thể đạt được. Theo đó, bước đầu DN nội địa phải tăng cường quản trị nội bộ, đầu tư hệ thống kiểm soát; đặc biệt mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh; tiếp cận nhu cầu của DN FDI, chất lượng mà họ yêu cầu. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng phải tạo hành lang pháp lý, định hướng xu hướng và lộ trình phát triển, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn để DN phấn đấu đạt được. Công khai danh sách và tiêu chuẩn để DN tham gia vào hệ thống cung ứng. 

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã được triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, để có thể phát triển, cần thiết phải có sự phối hợp giữa TPHCM với các tỉnh, thành khác để tạo sự liên kết, kết nối giữa khoảng 1.200 DN công nghiệp hỗ trợ của TPHCM với DN các tỉnh, thành và với các DN FDI đầu cuối. Chính vì vậy, DN cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối giữa DN FDI và DN công nghiệp hỗ trợ là cần thiết. Hiện nay, TPHCM đang xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cho khoảng hơn 500 DN công nghiệp. Cùng với đó, thành phố cũng có nhiều chương trình hỗ trợ DN như: Chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt” và  hàng trăm cuộc kết nối trực tiếp giữa các DN trong nước với các DN FDI thông qua Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM.

Tạo nền tảng hướng đến công nghiệp 4.0

Ông Huỳnh Văn Tèo, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế chế tạo Nhật Minh, tâm sự: “Nhờ tham gia chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”, công ty đã được các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như tư vấn định hướng phát triển. Công ty hiện đang tích cực triển khai xây nhà máy mới trong Khu Công nghệ cao TPHCM với vốn đầu tư khoảng 8 - 10 triệu USD. Đây sẽ là giải pháp toàn diện từ khâu thiết kế, sản xuất khuôn tới ép nhựa, lắp ráp, in ấn…, tạo nền tảng cho công ty phát triển bền vững, hướng tới phục vụ nhiều khách hàng là các DN FDI”. 

Nhìn nhận về quá trình phát triển của nền công nghiệp Việt Nam, TS Lê Đình Phong, chuyên gia robotics và tự động hóa, cho biết nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ. Để đi đến được trình độ sản xuất tiên tiến như nhà máy thông minh cần một quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, và con người. Mặc dù vậy, với thế mạnh về sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc - những lĩnh vực có tính đa dạng về sản phẩm cũng như có tính cá thể hóa cao... là điều kiện thuận lợi để những nhà máy thông minh được ứng dụng và phát huy hết những đặc tính ưu việt của nó.

Theo nhận định của các chuyên gia, để hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Việt Nam cần tận dụng những cơ hội từ các FTA; xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ DN giảm thâm dụng lao động phổ thông.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng cần cơ chế ưu đãi áp dụng cho các DN và công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tạo cơ chế ràng buộc các DN FDI tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa (nội địa hóa), có cơ chế đặc biệt để khuyến khích DN trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa. TPHCM cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành.

Tin cùng chuyên mục