Mở rộng khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị, cần mở rộng khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến 24 quận, huyện và các sở ngành thành phố, tùy vào điều kiện thực tế mà đưa ra thời gian, thời điểm khảo sát cho phù hợp; đồng thời tăng các tiêu chí đánh giá ở các lĩnh vực lâu nay người dân còn phiền hà, kêu ca.
 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Sáng 11-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Vũ Thanh Lưu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, đợt thí điểm đánh giá sự hài lòng được thực hiện tại 5 quận, huyện, sở ngành gồm: quận 1, quận 12, huyện Hóc Môn; Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Qua khảo sát 1.336 cá nhân và tổ chức ở 5 nhóm tiêu chí cho thấy, mức hài lòng chung theo cách chấm điểm các tiêu chí từ 9 đến 10 điểm đạt trung bình khoảng 50%.
Ở tiêu chí thái độ phục vụ của công chức, Sở Xây dựng và quận 12 được người dân và tổ chức đánh giá hài lòng cao nhất với 54%; Huyện Hóc Môn có tỷ lệ người dân không hài lòng đối với thái độ phục vụ cao nhất là 17%.
Về chỉ số hướng dẫn thủ tục, có 4/5 đơn vị được người dân và tổ chức chấm mức từ 9 đến 10 điểm cao nhất; huyện Hóc Môn có tỷ lệ người dân và tổ chức không hài lòng cao nhất là 17%...

Theo ông Vũ Thanh Lưu, kết quả trên phản ánh khá chính xác mức độ hài lòng của người dân và tổ chức khi đi làm thủ tục hành chính và khác xa so với kết quả tự đánh giá của nhiều cơ quan hành chính thời gian qua, có nơi đạt đến 99% sự hài lòng.

Tuy nhiên, ông Lưu thừa nhận cũng còn một số mặt hạn chế trong thực hiện thí điểm đánh giá. Cụ thể như, đánh giá về thủ tục chứng thực sao y cho kết quả sự hài lòng cao là chưa phản ánh đúng thực chất công tác cải cách hành chính, bởi vì còn nhiều thủ tục hành chính về xây dựng, nhà đất, hộ tịch, y tế…, người dân vẫn kêu ca, chưa hài lòng. Hay công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về đợt khảo sát này chưa được sâu rộng, việc cung cấp danh sách và dữ liệu có liên quan của cá nhân và tổ chức phục vụ công tác khảo sát chưa đầy đủ, nên kết quả ở một số nơi chưa phản ánh đúng thực chất.

Theo ông Huỳnh Công Hùng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, kết quả khảo sát giúp các cơ quan hiểu rõ hơn về tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị.

Ông Hùng đề nghị tới đây cần mở rộng khảo sát, đánh giá thêm nhiều lĩnh vực mà người dân quan tâm; đồng thời có sự so sánh với kết quả khảo sát, đánh giá hàng năm theo tiêu chí của hệ thống đánh giá PAPI. Qua đó, tìm ra được những hạn chế cần khắc phục trong các cơ quan hành chính từ xã phường đến thành phố. Sau kết quả đánh giá cũng cần rà soát, xử lý kịp thời những yếu kém, tồn tại ở khâu nào, trách nhiệm cá nhân thuộc về ai…

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, xử lý kết quả sau khảo sát là hết sức cần thiết, qua đó thấy được chỉ số nào tốt, chỉ số nào chưa tốt để có biện pháp chấn chỉnh thích hợp.
Ông Tuấn cũng đưa ra 3 kiến nghị tiếp tục khảo sát, đo lường sự hài lòng thời gian tới. Trong đó, cần khảo sát thường xuyên, liên tục, định kỳ hàng năm và ở tất cả cơ quan hành chính của thành phố; đồng thời có sự so sánh, kiểm chứng cụ thể các chỉ tiêu đánh giá xem có sự chuyển biến ra sao để đưa ra biện pháp chấn chỉnh, nhất là đối với những cá nhân, tổ chức còn những yếu kém, thiếu sót gây ra sự không hài lòng của người dân và tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao kết quả và phương pháp đánh giá, khảo sát của Ủy ban MTTQ TPHCM. Kết quả khảo sát khá sát với tình hình thực tế, có sự phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị thành phố.
Đồng chí Bí thư đề nghị, cần mở rộng khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến 24 quận/huyện và các sở ngành thành phố, tùy vào điều kiện thực tế mà đưa ra thời gian, thời điểm khảo sát cho phù hợp; đồng thời tăng các tiêu chí đánh giá ở các lĩnh vực lâu nay người dân còn phiền hà, kêu ca.

“Để đánh giá một cách chính xác nhất mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính cần hợp tác với các tổ chức quốc tế để họ hỗ trợ mình cách làm, chia sẻ dữ liệu thông tin và so sánh, đối chiếu với các chỉ số đánh giá quốc tế để thấy rõ hơn những mặt hạn chế cần khắc phục, những thế mạnh, ưu điểm trong cách làm phổ biến rộng ra các địa phương trong cả nước”, đồng chí Bí thư đề nghị.    

Tin cùng chuyên mục