Mở rộng mạng lưới kinh doanh hàng Việt

Triển khai chương trình hành động của TPHCM về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt CVĐ), trong 7 tháng đầu năm 2017, ngành công thương đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt. 
 Khách hàng mua sản phẩm sản xuất trong nước . Ảnh: CAO THĂNG
Khách hàng mua sản phẩm sản xuất trong nước . Ảnh: CAO THĂNG
Theo số liệu của ngành công thương TPHCM, tính đến nay, TPHCM đã phát triển được hệ thống phân phối gồm 42 trung tâm thương mại (15 trung tâm hạng I, 4 trung tâm hạng II, 23 trung tâm hạng III), 201 siêu thị (65 siêu thị hạng I, 60 siêu thị hạng II, 76 siêu thị hạng III, tương đương 96 siêu thị chuyên ngành và 105 siêu thị tổng hợp), 240 chợ (3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 54 chợ loại 2, 169 chợ loại 3 và chợ tạm).
Các hệ thống phân phối ngày càng được tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ... góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành. Thông qua CVĐ, hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ từ 90% - 100%, điển hình tại các hệ thống phân phối lớn như Big C 95%, Satramart, Satrafoods 95%, Giant 99,98%…
Riêng chương trình bình ổn thị trường, ngoài việc liên kết để phát triển nguồn hàng cung ứng cho chương trình, các doanh nghiệp (DN) cũng tập trung phát triển điểm bán. Đến nay, thành phố đã phát triển được 10.602 điểm bán hàng bình ổn, phủ rộng khắp các địa bàn, khu vực vùng ven ngoại thành và KCX-KCN phục vụ công nhân và người lao động. Qua công tác hỗ trợ DN phát triển kênh phân phối, đã giúp DN tạo sự gắn kết và nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ sản phẩm Việt; tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt có chất lượng, giá cả hợp lý.
Nhằm đảm bảo cho người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành và người lao động tại các KCX- KCN có thể mua hàng bình ổn, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức 3 nhóm bán hàng lưu động. Trong 6 tháng đầu năm, 3 nhóm DN bình ổn thị trường do Saigon Co.op, Satra và Công ty Ba Huân làm đầu mối đã tổ chức 602 chuyến bán hàng lưu động. Địa bàn thực hiện chủ yếu tại các quận ven, huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn... Riêng Saigon Co.op còn thực hiện hơn 600 chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ 36 tỉnh thành trên cả nước thực hiện bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa hơn 35 tỷ đồng…
Điểm mới của ngành công thương trong những tháng đầu năm 2017 là giảm tối đa các cuộc họp; thay vào đó, tập trung lực lượng triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Thành ủy và UBND TPHCM giao. Lãnh đạo của ngành cũng tăng cường đi thực tế tại các DN để nắm bắt tình hình hoạt động, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho DN. Mặt khác, sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hàng Việt, tổ chức kết nối DN với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ; tổ chức các hội nghị chuyên đề, chương trình kết nối ngân hàng và DN để tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt về vốn; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các chương trình bình ổn thị trường; đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Tin cùng chuyên mục