Mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất an toàn

TPHCM đã cấp 229 giấy chứng nhận vào chuỗi thực phẩm an toàn cho 128 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh. 

Việc cấp giấy chứng nhận này không chỉ giới hạn ở TPHCM mà còn mở rộng cho các đơn vị sản xuất tại tỉnh thành khác nhưng có tham gia chuỗi cung ứng tiêu thụ tại TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Đắk Nông... Đây được xem cơ sở để xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. 

Mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất an toàn ảnh 1 TPHCM giới thiệu sản phẩm organic
 Theo đó, với các trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận vào chuỗi thực phẩm an toàn sẽ cung ứng trên 100.000 tấn sản lượng gia súc, gia cầm mỗi năm. Cụ thể, sản lượng thịt gà đạt gần 20.000 tấn/năm, thịt heo hơn 46.000 tấn/năm; thịt trâu, bò 5.400 tấn/năm rau củ quả hơn 23.000 tấn/năm… 
Trong khi đó, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM cũng đưa vào chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn thêm với 65 tổ chức, cá nhân đạt chứng nhận sản xuất rau sạch với tổng diện tích canh tác 2.054ha. Tính đến nay, số đơn vị sản xuất rau quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 1.128 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 950ha, sản lượng dự kiến 123.511 tấn/năm. Hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi đề án truy xuất nguồn gốc tại 7 đơn vị, gồm Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ Phú Lộc, Hợp tác xã Sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An, Liên tổ rau an toàn Tân Trung, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mai Hoa, Hợp tác xã Nông nghiệp Nấm Việt, Hợp tác xã Ngã Ba Giồng, Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ Phước Bình có tổng diện tích 232,5ha với 398 hộ tham gia, sản lượng rau quả dán tem truy xuất nguồn gốc đạt 14,3 tấn/ngày. 

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ công suất giết mổ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường kiểm tra lâm sàng động vật trước khi giết mổ, nhất là việc nhận diện các biểu hiện heo bị tiêm thuốc an thần, hành vi của thương lái tiêm thuốc an thần tại khu vực chờ giết mổ…

Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, để dần loại bỏ thực phẩm thiếu an toàn cho thị trường, nhất thiết phải xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Chuỗi cung ứng này không thể giới hạn tại khu vực TPHCM mà cần phải nhân rộng ra các địa phương khác, bởi diện tích đất canh tác, nuôi trồng thủy hải sản, gia súc, gia cầm... ở TPHCM ngày càng hạn chế, trong khi các tỉnh, thành lân cận lại có lợi thế này. Ngược lại, TPHCM là khu vực quy mô tiêu thụ lớn, ngành chế biến thực phẩm cũng có điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Do vậy, cần thiết phải bắt tay với các tỉnh, thành xây dựng vùng nguyên liệu sạch để mở rộng nguồn cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường TPHCM.
 
Ở góc độ sản xuất, đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, chăn nuôi khẳng định, đây là hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp sạch. Trên thực tế, giá thành sản phẩm nông sản, gia súc, gia cầm sạch bán tại các hệ thống kênh phân phối hiện đại luôn có giá thành cao hơn từ 1/3 trở lên so với những sản phẩm thông thường hoặc chưa được chứng nhận sản phẩm an toàn, hoặc chưa tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng, hệ thống phân phối của TPHCM sẽ hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ canh tác, nuôi trồng cho các đơn vị ở địa phương khác như thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ bao tiêu đầu ra để các tổ chức, cá nhân, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt yên tâm canh tác. 

Trong 9 tháng đầu năm 2018, TPHCM đã tổ chức ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM với sở nông nghiệp - phát triển nông thôn của 4 tỉnh là Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận và Sóc Trăng nhằm phối hợp kiểm soát quản lý chất lượng thực phẩm từ nguồn, bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi đưa về thành phố tiêu thụ. TPHCM cũng phấn đấu đến cuối năm 2019, các loại nông sản, thủy sản chủ lực của các tỉnh tiêu thụ trên địa bàn thành phố được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi; xây dựng, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục