Mối bận tâm SEA Games

Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 sắp diễn ra vào cuối năm nay, do Philippines đăng cai, với nhiều vấn đề đáng chú ý: Lễ khai mạc được tổ chức trong nhà thi đấu thay vì sân vận động như truyền thống; lễ bế mạc sẽ diễn ra ở một thành phố khác; các môn thi đấu sẽ phân về nhiều nơi, tùy theo mức độ phổ biến. Tuy nhiên chỉ có 11/56 môn thể thao được truyền hình trực tiếp; môn bóng đá lần đầu phải đá trên sân cỏ nhân tạo… 

Bức tranh không hoàn chỉnh đó cũng là thực trạng có phần đáng tiếc về SEA Games, một sự kiện truyền thống nhưng đang đứng trước câu hỏi có nên tồn tại hay không?

Đặt câu hỏi như vậy là bởi 2 năm nữa, đến lượt Hà Nội - Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31 (năm 2021). Đây là lần thứ 2 mà Việt Nam nhận quyền tổ chức, kể từ sau năm 2003. Vậy nhưng, nếu hỏi những ai không thuộc ngành thể thao, có lẽ sẽ ít người biết về thông tin này. Người trong nước không biết, thì rất khó để cho rằng, tổ chức SEA Games sẽ góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia. Thậm chí, 2 lĩnh vực chủ chốt của SEA Games là văn hóa và thể thao cũng không “hưởng lợi” nhiều. Đơn cử như tính đến nay, chưa có một đề án phát triển cơ sở vật chất nào nhằm phục vụ SEA Games 2021, ngay cả khi khu liên hợp thể thao Mỹ Đình hiện đang chuyển sang phục vụ đường đua F1. Mặt khác, việc đăng cai SEA Games 2021 của Việt Nam cũng mang tính nghĩa vụ với phong trào chung, theo cơ chế quay vòng đăng cai chứ không hẳn là cố gắng giành quyền tổ chức như 18 năm trước. Ban đầu, TPHCM được chọn là thành phố đăng cai nhưng ngân sách đầu tư quá lớn là rào cản, trong khi diễn ra tại Hà Nội thì hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn nhiều. Tất nhiên là SEA Games khó có thể hủy bỏ hay tạm hoãn ngay lúc này. Hiện vẫn còn Campuchia và Đông Timor chưa từng một lần đăng cai. Nhưng một khi những giá trị có ý nghĩa lớn đã không còn được SEA Games gìn giữ thì cần phải có những cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, những nền thể thao hàng đầu khu vực như Việt Nam cần có trách nhiệm đóng góp bằng chính kiến, hành động cụ thể. 

Một ví dụ, Singapore và Malaysia ở các năm 2015 và 2017 đã cố gắng giảm bớt số môn thi đấu xuống lần lượt là 36, 38 môn; thì đến SEA Games 30, Philippines tăng số môn đến kỷ lục là 56. Không những không phản ứng với quyết định của nước chủ nhà, mà nhiều đoàn thể thao mạnh vẫn phải đăng ký tham gia nhiều môn, cử lực lượng đông đảo để cố gắng duy trì vị trí toàn đoàn. Đoàn Thể thao Việt Nam dù biết là rất khó vẫn phải tuyên bố sẽ cố gắng giữ được vị trí thứ 3 toàn đoàn như 3 kỳ gần nhất. 

Hay như xét ở góc độ chuyên môn, một số môn thể thao Olympic hiện vẫn chưa được phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á nên SEA Games sẽ là nơi rèn luyện phù hợp. Nhưng việc tổ chức theo kiểu “cái gì cũng có” lại làm pha loãng yếu tố chuyên môn, khiến mục tiêu nâng cao trình độ ở các môn Olympic bị xem nhẹ, chất lượng cơ sở vật chất và điều kiện thi đấu không đạt yêu cầu. Hơn nữa, với trường hợp của Việt Nam vốn đang có chiến lược đầu tư trọng tâm vào chất lượng chứ không chạy theo số lượng, thì khi tham dự những kỳ SEA Games quá nhiều môn sẽ gây ra áp lực thành tích, tài chính. 

Chính vì vậy, những người có trách nhiệm của thể thao Việt Nam cần phải thể hiện quan điểm của mình mạnh mẽ trong các cuộc họp. Tốt hơn nữa, là chúng ta thể hiện bằng hành động cụ thể ngay tại SEA Games 2021. Đừng để SEA Games trở thành mối bận tâm để rồi khổ ta - khổ người.

Tin cùng chuyên mục