Mối lo kép

Vụ tấn công khủng bố ở New Zealand càng khiến làm dấy lên mối lo ngại kép về khủng bố và các mạng xã hội chưa tìm được giải pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lan truyền các tư tưởng cực đoan.

Cảnh sát đưa mọi người rời nhà thờ bị tấn công khủng bố ở TP Christchurch, New Zealand, ngày 15-3-2019. Ảnh: AP
Cảnh sát đưa mọi người rời nhà thờ bị tấn công khủng bố ở TP Christchurch, New Zealand, ngày 15-3-2019. Ảnh: AP

Một hiệp hội các công ty lớn tại New Zealand vừa nhất trí đồng loạt gỡ bỏ quảng cáo khỏi nền tảng mạng xã hội Facebook sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu nhằm ở TP Christchurch.

Theo báo New Zealand Herald số ra ngày 18-3, trong một tuyên bố chung, Hiệp hội Quảng cáo New Zealand (ANZA) và Hội đồng Truyền thông thương mại đã yêu cầu các công ty trong nước suy nghĩ về phương thức quảng bá trên các mạng truyền thông. “Chúng tôi kêu gọi Facebook và các nhà sáng lập nền tảng khác ngay lập tức phải có biện pháp kiểm soát nội dung mang tính chất bạo lực, căm ghét trước khi một thảm kịch khác một lần nữa được phát sóng trực tuyến”.

Các doanh nghiệp như Ngân hàng ASB, Lotto NZ, Burger King và Công ty viễn thông Spark đã ký cam kết gỡ bỏ quảng cáo khỏi Facebook. Người phát ngôn của công ty nhà nước Lotto NZ cho biết lý do gỡ bỏ quảng cáo ra khỏi trang mạng xã hội là vì tính chất không phù hợp với “diễn biến sự kiện đau lòng gần đây”.

Trong khi đó, các ngân hàng bao gồm Kiwibank, Bank of New Zealand và Australia&New Zealand Banking Group không nằm trong hiệp hội trên cũng đã độc lập gỡ bỏ tất cả quảng cáo khỏi Facebook. Giám đốc điều hành ANZA Lindsay Mouat trả lời phỏng vấn tờ Herald cho rằng các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc cân nhắc “liệu họ có muốn liên quan tới các nền tảng xã hội không đủ khả năng chịu trách nhiệm về các nội dung đăng tải”.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên một hành động tội ác được phát trên mạng Internet, song việc phát trực tiếp những hình ảnh tàn bạo xung quanh vụ xả súng ở New Zealand cho thấy việc ngăn chặn phát tán những cảnh bạo lực trên mạng vẫn là một thách thức lớn đối với các công ty công nghệ. Facebook cho biết một bản sao lưu trữ của video vụ xả súng sau đó cũng đã thu hút thêm khoảng 3.800 lượt xem trên Facebook trước khi công ty gỡ bỏ nó. Việc đoạn phim này được sao chép và đăng lại trên nhiều nền tảng khác trên mạng như Reddit, Twitter hay YouTube, cũng như lan truyền nhanh chóng trên mạng Internet đã khiến các công ty công nghệ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các nội dung mang tính bạo lực, thù địch.

Facebook cho biết đã gỡ bỏ 1,5 triệu video trên toàn cầu liên quan vụ tấn công khủng bố nhằm vào đền thờ Hồi giáo ở New Zealand trong 24 giờ đầu tiên sau vụ tấn công. Trong đó hơn 1,2 triệu video bị chặn không được tải lên... Ngoài ra, Facebook cũng thông báo gỡ bỏ tất cả các bản đã chỉnh sửa của đoạn video không trình bày nội dung đồ họa, nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với những người bị ảnh hưởng bởi vụ xả súng, cũng như quan ngại của nhà chức trách địa phương.

Trên thực tế, các mạng xã hội đều có một đội ngũ hùng hậu để sàng lọc thông tin mà người dùng đưa lên nhằm sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp và phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật để phục vụ công tác điều tra khi được yêu cầu. Tuy nhiên, với tính chất gần như mở hoàn toàn nên bất kỳ thông tin hay hình ảnh nào một khi đã được tung lên mạng xã hội là có thể lan truyền một cách vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, trong khi ngăn chặn và gỡ bỏ hoàn toàn là điều gần như bất khả thi.

Vụ tấn công khủng bố ở New Zealand càng khiến làm dấy lên mối lo ngại kép về khủng bố và các mạng xã hội chưa tìm được giải pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lan truyền các tư tưởng cực đoan.

Lãnh đạo TPHCM chia buồn cùng New Zealand

Ngày 20-3, thay mặt lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Ngoại vụ Lê Quang Long đã đến Tổng lãnh sự quán New Zealand viếng và viết sổ tang tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo tại TP Christchurch hôm 15-3, khiến 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Sổ tang có đoạn viết : “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các vụ tấn công gây thương vong lớn cho dân thường vô tội. Lãnh đạo và nhân dân TPHCM xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ New Zealand, các nạn nhân và gia đình. Chúng tôi tin rằng với nghị lực, quyết tâm và tinh thần đoàn kết của mình, chính phủ và nhân dân New Zealand sẽ sớm vượt qua nỗi đau thương mất mát này và những kẻ gây ra tội ác sẽ bị trừng trị thích đáng”.

Xuân Hạnh

New Zealand, Australia bất bình với Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 20-3, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo sẽ cân nhắc “mọi lựa chọn” trong việc xem lại các mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau phát biểu “khinh suất” và “rất khó chịu” của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về vụ xả súng ở Christchurch của New Zealand.

Trước đó, trong chiến dịch vận động bầu cử địa phương, Tổng thống Erdogan đã coi vụ xả súng ở Christchurch là một phần của cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và đạo Hồi; đồng thời cảnh báo những người Australia bài Hồi giáo sẽ phải hứng chịu số phận tương tự như các binh sĩ ở Gallipoli, một trận chiến đẫm máu trong Thế chiến thứ 1. Nhà lãnh đạo Australia nêu rõ sẽ đợi phản ứng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trước khi có thêm hành động.

Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước này Winston Peters sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để làm rõ với những bình luận của Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan về cái chết của ít nhất 50 người tại 3 thánh đường ở Christchurch. Trước đó, New Zealand cũng phản ứng mạnh về việc Tổng thống Erdogan đã sử dụng video mà tay súng quay trong vụ tấn công đền thờ Hồi giáo tại Christchurch trong chiến dịch tranh cử. Phó Thủ tướng New Zealand Winston Peters nhận định việc chính trị hóa vụ thảm sát này sẽ gây nguy hiểm cho tương lai và an toàn của người dân New Zealand ở trong và ngoài nước và điều này là không công bằng.

Chi Hạnh

Tin cùng chuyên mục