Mối lo thành hiện thực

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án Bắc California ngày 7-8 cáo buộc Apple “ghi âm bất hợp pháp và cố ý thu thập các thông tin liên lạc bí mật của cá nhân mà không có sự đồng ý nào” từ năm 2011 đến nay.

Cách đây 1 năm, vụ rò rỉ dữ liệu hơn 80 triệu người dùng trên toàn thế giới của mạng xã hội Facebook khiến người ta lo ngại các thông tin cá nhân, quyền riêng tư của mọi người bị xâm phạm và quy đổi thành các giá trị không mong muốn. Nay, mối lo ấy đã thành hiện thực khi các vụ kiện tụng, các bản báo cáo phơi bày hàng loạt công ty công nghệ, mạng xã hội khác đều xâm phạm trắng trợn quyền cá nhân của mỗi người.

Gần đây, mạng xã hội Twitter đã tìm thấy và khắc phục sự cố trên nền tảng quảng cáo dẫn đến việc công ty chia sẻ một số dữ liệu người dùng với các đối tác quảng cáo mà không có sự đồng ý rõ ràng của người dùng. Dữ liệu phơi nhiễm là từ tháng 5-2018 đến tháng 8-2019, dẫn đến việc chia sẻ một số dữ liệu người dùng như mã quốc gia, loại thiết bị và chi tiết quảng cáo với danh sách chọn lọc của các nhà quảng cáo. Twitter cho biết đã chia sẻ danh sách đầy đủ dữ liệu quảng cáo người dùng được hiển thị và danh sách các đối tác quảng cáo có thể đã nhận được thông tin. Ngoài ra, Twitter tiết lộ vấn đề bảo mật quảng cáo, theo đó kể từ tháng 9-2018, nền tảng quảng cáo của họ đã đưa ra những suy luận về các thiết bị của người dùng để tinh chỉnh việc phân phối quảng cáo mà không có sự chấp thuận rõ ràng của người dùng. Nói cách khác, Twitter đã bỏ qua một tùy chọn trong phần cài đặt riêng của nó trong gần một năm và phân phối quảng cáo được nhắm mục tiêu bất kể sự lựa chọn của người dùng.

Chúng ta hầu như quên mất rằng còn nhiều công ty công nghệ lớn khác đang ngày đêm thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Mới đây nhất, các chuyên gia Viện Khoa học máy tính quốc tế (ICSI) đã phát hiện 1.325 ứng dụng Android thu thập dữ liệu của điện thoại thông minh ngay cả khi người dùng đã từ chối cho phép truy cập. Các nhà nghiên cứu của ICSI đã cảnh báo với Google về những phát hiện này từ cuối tháng 9 năm ngoái. Nghiên cứu kiểm tra hơn 88.000 ứng dụng trên gian hàng Google Play Store, trong đó có 1.325 ứng dụng vi phạm quy định của Android khi cài các mã để có thể lấy được dữ liệu cá nhân người dùng. Ví dụ, ứng dụng Shutterfly dùng chỉnh sửa ảnh, đã thu thập toạ độ GPS trên hình ảnh và gửi dữ liệu này về máy chủ, thậm chí ngay cả khi người dùng từ chối quyền truy cập của ứng dụng vào dữ liệu vị trí của họ. Trong khi đó, một số ứng dụng tìm cách dựa vào các ứng dụng khác đã được cấp quyền truy cập dữ liệu người dùng để truy tìm các thông tin về điện thoại, như số IMEI. Những ứng dụng này sẽ đọc các dữ liệu không được bảo mật trên các thiết bị thẻ nhớ và thu thập các dữ liệu mà chúng không được cho phép. 

Hãng Apple cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể vì đã thuê các đối tác bên ngoài chấm điểm những cuộc hội thoại ẩn danh của trợ lý ảo Siri. Hành động này của Apple bị tiết lộ khi một trong những đối tác tuyên bố rằng nhân viên của Apple đã dùng các bản ghi âm để đánh giá Siri. Họ thường nghe được các thông tin về y tế, giao dịch mua bán thuốc và các chất gây nghiện và thông tin cá nhân khác khi Siri được kích hoạt. Vụ kiện được đệ trình lên tòa án Bắc California ngày 7-8 cáo buộc Apple “ghi âm bất hợp pháp và cố ý thu thập các thông tin liên lạc bí mật của cá nhân mà không có sự đồng ý nào” từ năm 2011 đến nay.

Tin cùng chuyên mục