Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang tốt hơn

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1-2018, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cho các dự án đầu tư trong nước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. 
Cả nước cũng đã thu hút 618 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký 2.121,6 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn đang là nước có môi trường hấp dẫn đầu tư doanh nghiệp nước ngoài. 
Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang tốt hơn ảnh 1 Sản xuất linh kiện IC bán dẫn tại Công ty MTEX (doanh nghiệp Nhật Bản) tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
 TPHCM thu hút 44,25 tỷ USD
Trong tổng số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong quý 1-2018, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 1,84 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư. Hồng Công (Trung Quốc) đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký khoảng 689 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 649 triệu USD, chiếm 11,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. 
Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng cao nhất với 188,52 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. Kế đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,56 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư; sản xuất, phân phối điện, khí nước đạt 21 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư. 
Các dự án cũng đã được các nhà đầu tư nước ngoài phủ khắp 63 tỉnh thành. Trong đó, TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 44,25 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Kế đến là tỉnh Bình Dương với 30,67 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư và Hà Nội với 27,69 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư trực tiếp của nước ngoài dù tăng về số lượng dự án với 618 dự án cấp phép mới, tăng 25,4% so với cùng lỳ năm 2017, nhưng lại giảm 27,3% về vốn đăng ký. Song song đó, có 199 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước, đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1.789,9 triệu USD, giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 3.911,5 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2017. 
Tuy nhiên, thực tế này không đủ cơ sở để khẳng định dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm trong năm 2018. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 33% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 1 năm nay tốt hơn quý trước, 24,6% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 42,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý 2 so với quý 1 năm nay có 55,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 10,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Tăng cường gỡ rào cản 
Về phía Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sự sụt giảm vốn đầu tư là do vào quý 1-2017 có dự án Samsung Display (tại Bắc Ninh) điều chỉnh tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, quý 1-2018 không có những dự án đầu tư lên tới tỷ USD. Ngược lại, một số dự án đầu tư mới hoặc tăng thêm vốn vẫn đang được các tập đoàn đổ vào Việt Nam.
Điển hình như dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram có tổng vốn 150 triệu USD do Singapore đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Kế đến là dự án của Công ty TNHH Kefico Việt Nam, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại tỉnh Hải Dương, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Vina Cell Technology, sản xuất pin năng lượng Mặt trời tại tỉnh Bắc Giang, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD; dự án Nhà máy Dệt và may Ramatex Nam Định, tổng vốn 80 triệu USD do nhà đầu tư Singapore thực hiện và dự án Nhà máy Ykk Hà Nam có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do Nhật Bản đầu tư với mục tiêu sản xuất các loại khóa kéo, sản phẩm có liên quan, sản xuất nguyên phụ liệu dùng cho ngành may.
Điểm mấu chốt để thu hút nhà đầu tư chính là môi trường đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại TPHCM cho biết thêm, hiện hệ thống chính quyền điện tử tại Việt Nam đã bước đầu đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả nhất định. Đơn cử, việc đăng ký online với những sản phẩm nhập khẩu đã được triển khai, tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là doanh nghiệp mới có sản phẩm nhập khẩu lần đầu.
Về phân tích mẫu chuyên ngành đối với thực phẩm mẫu đã có những cải thiện đáng kể, tần suất kiểm tra mẫu đã giảm. Quy định đồng thừa nhận chứng nhận của nhau cũng đã được triển khai. Biện pháp áp dụng kiểm tra rủi ro được triển khai tại hệ thống hải quan đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan. Doanh nghiệp đã được quyền tự làm chứng nhận và công bố hợp quy trên trang thông tin của mình và chỉ báo cáo với các cơ quan chức năng, thay vì phải đợi được cấp phép như trước đây (ngoại trừ với 3 nhóm thực phẩm thuộc danh mục sản phẩm dành cho y học,  phụ gia thực phẩm dùng cho sản phẩm mới, thực phẩm cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi phải đăng ký và cấp phép từ các cơ quan chức năng…
Ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng không được làm khó doanh nghiệp, chỉ được tăng cường kiểm tra ngoài quy định trong trường hợp doanh nghiệp bị cảnh báo vi phạm các quy định liên quan.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ nói chung phải sớm hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử, phổ quát từ trung ương đến địa phương, để sớm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục