TP Hồ Chí Minh

Đầu tư vào đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè

AN NHIÊN
Đầu tư vào đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè

UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Giao thông Công chính thành phố kêu gọi đầu tư vào dự án xây dựng đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Nhà thầu nào có thể tham gia xây dựng con đường này? Phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Nguyễn Việt Sơn - Phó Giám đốc chuyên trách giao thông của Sở Giao thông Công chính. Ông Sơn cho biết:

Đầu tư vào đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè ảnh 1

Ông Nguyễn Việt Sơn

- Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia đầu tư xây dựng công trình này. Tuy nhiên, ưu tiên cho những nhà thầu có khả năng tài chính và kinh nghiệm xây dựng đường trên cao, có các giải pháp tốt về thiết kế, thi công và đưa được công trình vào sử dụng sớm.

- Nhà thầu có thể đầu tư theo hình thức nào, thưa ông?

- Thành phố dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trong nước hoặc BOT nước ngoài, hoàn vốn bằng thu phí giao thông và các hình thức khác do nhà đầu tư đề xuất, ví như có thể khai thác kinh doanh quỹ đất dọc tuyến đường Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

- Dự án đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã được thành phố bàn tới nhiều lần từ cách nay nhiều năm với nhiều yêu cầu về quy mô, kỹ thuật… Vậy “bản chính” để đưa ra kêu gọi đầu tư lần này là gì?

- Dự án chính thức được đưa ra để kêu gọi đầu tư sẽ bắt đầu từ khu vực Lăng Cha Cả chạy theo đường Bùi Thị Xuân-kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2) với các yêu cầu về kỹ thuật như sau: tuổi thọ công trình là vĩnh cửu; vận tốc thiết kế: 80 km/giờ; tải trọng thiết kế: 30 tấn; chiều dài tuyến: 8,2km; số làn xe trên cầu: 4 làn, mỗi làn rộng > hoặc = 3,5m; các nhánh cầu liên thông có quy mô từ 1-2 làn xe tùy theo yêu cầu.

Nhà thầu nên sử dụng công nghệ cầu bê tông lắp hẫng hoặc nhà đầu tư đề xuất các công nghệ thi

Đầu tư vào đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè ảnh 2

Phối cảnh dự án đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

 công tiên tiến hơn để không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế được ùn tắc giao thông trong thời gian thi công. Về kiến trúc, đây phải là một công trình có kết cấu thanh mảnh, đẹp, hài hòa với cảnh quan trong khu vực trung tâm thành phố.

- Nhà thầu có phải tiến hành công tác giải tỏa, tái định cư cho dân không thưa ông?

- UBND TPHCM sẽ chịu trách nhiệm đền bù, giải tỏa và tái định cư nhưng nhà đầu tư phải chịu kinh phí, ước vào khoảng 1.300 tỷ đồng.

- Vậy tổng kinh phí xây dựng toàn bộ công trình theo tính toán sơ bộ của các ông là bao nhiêu?

- Khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng khoảng 2.200 tỷ đồng. Còn lại là đền bù giải tỏa.

- Nhà đầu tư có được ưu đãi khi đầu tư vào công trình này không? Và họ có thể đăng ký đầu tư ở đâu?

- Nhà đầu tư sẽ được hưởng mọi ưu đãi theo các quy định của Nhà nước Việt Nam. Nếu muốn đăng ký đầu tư, xin mời liên hệ tại Phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Công chính số 63 Lý Tự Trọng, quận 1. Thời gian đăng ký: đến hết ngày 30-9-2006. Khi đăng ký tham gia, nhà thầu sẽ được cung cấp miễn phí một đĩa mềm chứa các nghiên cứu sơ bộ về dự án để tham khảo.

- Cám ơn ông.

AN NHIÊN
 

Tin cùng chuyên mục