Chống ngập bằng cống điều khiển

Chống ngập bằng cống điều khiển

Hội thảo “Thực trạng ngập nước tại TPHCM – Nguyên nhân và giải pháp” do Viện Kinh tế và Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp tổ chức đã khép lại hơn một tháng nay. Thế nhưng, nhiều nhà khoa học tâm huyết vẫn tiếp tục gửi những công trình nghiên cứu “chống ngập” công phu của mình đến chuyên trang Môi trường - Đô thị với hy vọng hiến kế thêm cho thành phố…

Khi triều là yếu tố quyết định

Chống ngập bằng cống điều khiển ảnh 1
Ngập nước do triều cường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

TPHCM thiết lập trên địa hình bồi tích thấp trũng ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn, hơn 50% diện tích tiềm ẩn khả năng ngập nước triều cường.

Sông rạch vùng Ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn và ngã ba sông Sài Gòn – Vàm Cỏ Đông bị chi phối chủ yếu bởi thủy triều, giao động bán nhật không đều. Do vậy, triều là yếu tố quyết định dòng chảy 2 chiều, mỗi ngày có 2 lần nước lên, 2 lần nước xuống – 4 lần đổi hướng chảy ngược nhau.

Biên độ triều lớn, khoảng 3m. Dòng chảy 2 chiều của thủy triều với biên độ rộng, thời gian đổi hướng chảy nhanh (khoảng 6 giờ), cường suất lớn tạo nên lưu lượng lớn… ra vào tự do trên cùng một cửa kênh rạch – chính là nguyên nhân sâu xa làm cho mạng lưới sông rạch trong TPHCM bị suy thoái trước áp lực quá tải của nước thải bị dồn ứ, ô nhiễm tích lũy…

Khác với Hà Nội, mặt đất thấp hơn mực nước mùa lũ khoảng 5m kéo dài trong nhiều tháng; trái lại, ở TPHCM mặt đất cao hơn mực nước lúc chân triều khoảng 2m lại có chu kỳ giao động bán nhật. Đây là ưu thế vô cùng lớn. Vì thế, có thể lợi dụng biên độ giao động rộng của thủy triều để điều khiển dòng chảy trong hệ thống kênh rạch nhằm: hạ mực nước thủy triều khi có mưa để chống ngập; khai thác lưu lượng triều cường - tạo dòng chảy 1 chiều để bảo vệ môi trường nước; điều khiển được mực nước, dòng chảy thỏa mãn nhiều mục tiêu phát triển đô thị: giao thông thủy, kiến trúc cảnh quan, vui chơi giải trí nước...

Biện pháp điều khiển chủ yếu là sẽ dùng cống đặt đầu các trục kênh nối với sông lớn nhằm tách sông rạch, đô thị khỏi sự chi phối của dòng chảy 2 chiều ngoài sông lớn. Cải tạo sông rạch thành hệ thống kênh đào điều khiển được tương thích với hệ sinh thái đô thị. TPHCM bị chia cắt bởi sông Sài Gòn, do đó, có thể lập 2 dự án tiêu thoát nước cho 2 vùng: Đô thị cổ giữa ngã ba sông Sài Gòn - Vàm Cỏ Đông và đô thị mới giữa ngã ba sông Sài Gòn - sông Đồng Nai.

Đô thị cổ: Xây dựng cống đầu kênh điều khiển dòng chảy

Có 4 cống chính đầu và cuối 2 trục kênh:

Cống cầu Chữ Y phải tránh bịt kênh Ông Lớn, đầu mối 2 đường thủy TPHCM đi ĐBSCL.

Bình thường không mưa, khai thác triều cường lấy nước cao vào hệ thống tạo dòng chảy lưu thông 1 chiều từ sông Sài Gòn về sông Cần Giuộc. Ngược lại, cống Bình Điền và Cần Giuộc mở khi triều thấp để hạ mực nước càng thấp càng tốt, để tiêu nước, pha loãng và đẩy ô nhiễm về sông Nhà Bè – Vàm Cỏ - nơi có dòng chảy lớn khả năng tự làm sạch cao.

Mục tiêu của giải pháp này là tạo dòng chảy 1 chiều từ cầu Chữ Y về cống Cần Giuộc bằng cách mở, đóng 2 cống so le về thời gian: triều lên cống chữ Y mở cống Cần Giuộc đóng, triều xuống ngược lại. Lượng nước luôn luôn lưu thông 1 chiều trong kênh sẽ tăng khả năng tự làm sạch và chủ động giữ mực nước thấp khỏi ngập. Thứ tự ưu tiên thực hiện các công trình này như sau:

- Cống Cần Giuộc – hướng thoát chính nhờ biên độ lớn, chân triều thấp.

- Cống cầu Chữ Y, Cống Hiệp Ân I, lấy nước sông Sài Gòn khi triều cao để tạo dòng chảy 1 chiều giải quyết ô nhiễm. Cống hoạt động 2 chiều khi cần thoát nước nhanh.

- Cống Bình Điền. Hướng tiêu về Bến Lức yếu hơn các hướng khác, cống chợ Đệm chủ yếu ngăn triều lên từ phía Vàm Cỏ Đông và phát triển giao thông thủy.

Sau khi hoàn tất các công trình trên, có thể mở rộng hệ thốùng kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên để chuyển tải nước sông Sài Gòn khi triều cao. Kênh càng rộng hiệu quả bảo vệ môi trường càng cao, giao thông thủy nội địa càng phát triển, kiến trúc cảnh quan càng đẹp.

Đô thị mới: đào kênh để chuyển nước

Dựa trên tuyến kênh giao thông nối tắt từ sông Tắc – Trao Trảo - Rạch Chiếc đã nối thông với Giồng Ông Tố đang được tu bổ mở rộng cho giao thông thủy nội địa. Đào thêm 2 km kênh nối Giồng Ông Tố với rạch Cá Trê sẽ trở thành trục kênh chính chuyển nước sạch từ sông Đồng Nai về sông Sài Gòn qua khu đô thị Thủ Thiêm.

Trước mắt, có thể giải quyết riêng Đô thị Thủ Thiêm bằng cách: lắp 6 cống trong đó có 1 cống chính và 5 cống phụ: Cống chính dài 40m trên đường Vòng Cung; 5 cống phụ đều trên trục đường vòng cung, dưới các cầu: Cống số 3, Cống số 2, Cống cầu Phao số 5, Cống Ngọn Én, và 1 cống đại lộ Đông Tây Cống Cá Trê.

Các cống này sẽ vận hành theo hướng: Cống Cá Trê mở lấy nước khi triều cao, đóng khi triều thấp; cầu Cống + Cầu Phao số 5 đóng khi triều cao, mở khi triều thấp. Điều này sẽ tạo được dòng chảy một chiều có độ chênh lớn – Biên độ triều cao 2,5m có tác dụng làm giảm ngập cho khu vực

Khu vực cần giải quyết ngập tiếp theo là khu vực Thủ Thiêm nối với Giồng Ông Tố. Ở đây, có thể xây dựng các cống: 2 cống trên sông Đồng Nai: Sông Tắc, Ông Nhiêu, Ông Kiên; 2 cống trên sông Sài Gòn: Cống Rạch Chiếc, Cống sông Giồng; 3 cống phụ: sông Tranh, Mỹ Thủy, Võ Khế.

Đào 2 km kênh nối sông Giồng với rạch Cá Trê chuyển nước sông Đồng Nai về sông Sài Gòn. 

Kỹ sư THÁI ĐÌNH KHANG

 

Tin cùng chuyên mục