Ưu tiên chống sa mạc hóa ở 4 vùng

Từ hàng thập kỷ nay, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo rằng, những đồi cát trùng điệp, sa mạc mênh mông và mặt trời rực lửa là những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, “hút hồn” du khách, nhưng đồng thời cũng là những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự suy thoái môi trường. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

Mục tiêu của Chương trình hành động là đến năm 2010 hoàn thành những nhiệm vụ chống sa mạc hóa cấp bách, trước hết ở 4 vùng ưu tiên là Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và tứ giác Long Xuyên.

Đến năm 2020, khắc phục được về cơ bản các nguyên nhân do hoạt động của con người gây ra, phục hồi tối đa các vùng đất đã bị sa mạc hóa trước đây, hoàn thành vững chắc nhiệm vụ định canh định cư ở các vùng đất đã được phục hóa bằng việc đổi mới phương thức sử dụng đất, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa.

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam còn khoảng 9,3 triệu ha đất bị hoang hóa, trong đó có 7,3 triệu ha đất trống, đồi núi trọc và 2 triệu ha đất đang được sử dụng nhưng đã bị thoái hóa nặng. 10 năm gần đây, hạn hán đã hoành hành gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất nông lâm nghiệp của nhiều địa phương, đặc biệt là miền Trung và Tây Nguyên.

Sự cố nứt đất, trượt lở đất cũng xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc và miền Trung. Các tổ chức quốc tế FAO và UNESCO cũng có một con số: Việt Nam có khoảng 462.000 ha cát ven biển, 87.800 ha trong số này là các đụn cát, đồi cát lớn di động!

Trên thực tế, ngay từ trước khi trở thành thành viên của Công ước quốc tế về chống sa mạc hóa (UNCCD), Việt Nam đã có nhiều chương trình kế hoạch chống sa mạc hóa được thực hiện. Đó là Tết trồng cây hàng năm do Bác Hồ phát động và hiện vẫn được duy trì, phong trào khai hoang phục hóa, Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc, Chương trình trồng rừng chắn cát...

Hàng loạt văn bản pháp luật liên quan tới chống sa mạc hóa cũng đã được xây dựng và điều chỉnh như Luật Tài nguyên nước 1999, Luật Đất đai 2003, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2005; gần đây nhất là Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2002-2010. Ngoài ra, trên 50 chương trình, dự án khác liên quan tới chống sa mạc hóa đang được thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Theo bà Phạm Minh Thoa, phụ trách Văn phòng Công ước chống sa mạc hóa, sắp tới Việt Nam sẽ xây dựng Chương trình đối tác quản lý đất lâm nghiệp bền vững, do Ngân hàng Thế giới - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF) tài trợ...

Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chương trình là nâng cao nhận thức cộng đồng. Không ai muốn biến hành tinh xanh thành một hành tinh... cát (!), thế nhưng trong rất nhiều trường hợp, chúng ta đang thúc đẩy quá trình không mong muốn đó một cách vô thức! Bên cạnh nạn phá rừng, khai thác nước ngầm bừa bãi thì tình trạng khai thác tài nguyên biển, phát triển nuôi trồng thủy sản không có sự kiểm soát chặt chẽ (tưởng như không có gì liên quan) cũng gây mất rừng phòng hộ ven biển, làm suy thoái đất đai và nguồn nước.

ANH THƯ
 

Tin cùng chuyên mục