TP Hồ Chí Minh

Hơn 1.000 trụ nước chữa cháy bị... khuyết tật

“Sứt mẻ” tùm lum...

Hiện nay, nước dùng để chữa cháy tại TPHCM chủ yếu được lấy từ 3 nguồn: tự nhiên, các bể nước chữa cháy của các xí nghiệp, cơ quan và  trụ nước chữa cháy. Nhưng cả TP chỉ sử dụng được 1 bến bãi lấy nước tự nhiên (trong tổng số 130 bến bãi); bể nước dự trữ của các xí nghiệp, cơ quan chỉ đáp ứng cho chữa cháy ban đầu, vì thế có thể nói nguồn nước để chữa cháy tại TP lớn nhất nước này chỉ còn biết dựa vào khoảng 3.900 trụ nước chữa cháy. Thế mà, có đến hơn 1.000 trụ nước bị hư, mất nắp, hỏng ổ khóa...

“Sứt mẻ” tùm lum...

Dạo một vòng các tuyến đường Tô Hiến Thành, Sư Vạn Hạnh nối dài (quận 10), Gò Dầu (Tân Phú), Cách Mạng Tháng Tám…, chúng tôi dễ dàng bắt gặp các trụ nước chữa cháy bị mất nắp, hỏng ổ khóa và đặc biệt là bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán, để đồ. Trụ nước trước số nhà 245 Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10) bị mất 1 nắp nhỏ (mỗi trụ có 2 nắp nhỏ, 1 nắp lớn). Người lái xe ôm ở gần đó cho hay, trụ nước đã bị mất nắp hàng tháng rồi nhưng chưa thấy cơ quan chức năng thay thế nắp khác.

Trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, trụ nước chữa cháy cạnh hẻm 407 đã biến thành điểm bơm vá ruột xe. Người vá xe đã vô tư quàng cả bộ vòi bơm của chiếc máy bơm hơi vào van trụ nước chữa cháy. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo Chữa cháy - cứu hộ - cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC TP), than thở, tình trạng lấy cắp vặt đã biến các trụ nước thành “kẻ tàn tật”. Nếu xảy ra cháy, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn khi xài những chiếc trụ không còn nắp bởi nước cứ ộc ộc trào ra theo hướng mình không muốn - ảnh hưởng đến áp lực nước. .

Thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho hay: “Trong nhiều vụ cháy lớn cách đây vài năm như vụ ITC, vụ cháy ở hẻm 68 đường Trần Quang Khải, vụ cháy ở phường 3 quận Bình Thạnh…, lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do các trụ nước không đảm bảo “khỏe mạnh” để chữa cháy hiệu quả. Các trụ bị hư chủ yếu là do trụ đã được lắp đặt từ lâu (có tới 535 trụ được lắp đặt từ trước năm 1975) nên bị mòn, gỉ sắt bên trong thành ống, hoặc mòn van. Còn trụ bị hỏng ổ khóa có nguyên nhân chủ yếu do thi công các công trình đường, điện, nước… không đồng bộ. Tình trạng “khai quật” mặt đường liên miên cũng khiến các ổ khóa bị vùi lấp, hỏng hóc”.

Chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chữa cháy

“Theo quy định thì cứ 150m đường phải có một trụ nước chữa cháy. Như vậy, TP cần tới hơn 8.000 trụ nước chữa cháy nữa thì mới cơ bản đáp ứng được công tác PCCC. Với gần 3.900 trụ thì số trụ nước chữa cháy tại TP chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu chữa cháy của TP” - Thượng tá Bửu cho biết. Hiện tại, các tuyến đường chính của khu trung tâm TP cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, còn các khu vực xa trung tâm, nhất là các quận vùng ven như 7, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức… thì hệ thống trụ nước chữa cháy còn khá thưa thớt.

Một vấn đề nữa là tại các con hẻm, khi xe chữa cháy không vào được thì trụ nước chữa cháy cũng hiếm hoi. Năm 2006, quận 4 đã lắp 34 trụ nước chữa cháy tại các con hẻm. Đến hết tháng 10-2007, quận 5 cũng trang bị 24 trụ, còn lại đa phần bên trong các hẻm có khu dân cư nguy cơ cháy cao thì vẫn không có trụ nước chữa cháy.

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), toàn TP có 3.873 trụ nước nhưng có tới 210 trụ nước bị hư, 314 trụ bị mất nắp (314 nắp lớn và 528 nắp nhỏ) và đến 500 trụ bị hỏng ổ khóa.

TP đã có kế hoạch dần lắp đặt mới để đến năm 2010 có khoảng 12.000 trụ - đảm bảo khoảng cách giữa các trụ nước chữa cháy theo đúng quy định. Hiện Sở Cảnh sát PCCC đã kết hợp với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), có giải pháp ưu tiên lắp đặt thêm trụ nước chữa cháy, trước mắt là tại các giao lộ, khu dân cư, hẻm sâu thiếu nước và tập trung nhà dễ cháy…

 Nhưng khó khăn thực sự là công tác quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy. Ông Nguyễn Tống Anh Khoa, quyền Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ Sawaco, cho biết, lực lượng chức năng đã bắt quả tang vài vụ lấy cắp nắp trụ nhưng cũng chỉ xử phạt hành chính. Hiện tại, để “chữa cháy”, chúng tôi tạm cấp cho mỗi xe chữa cháy 2 nắp trụ nhằm dự phòng khi lấy nước ở những trụ bị mất nắp. Nhưng, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, rất cần một chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn”.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục