Sân chim Vàm Hồ trước miệng “bà Hỏa”

(ảnh)
Sân chim Vàm Hồ trước miệng “bà Hỏa”

Bạn hãy một lần lên đài quan sát ngắm sân chim Vàm Hồ vào buổi chiều tàn: Muôn cánh chim bay về phía khu rừng xanh thẫm, sau lưng chúng là bầu trời rực nắng hoàng hôn mà màu đỏ đang nhạt dần, ngả sang màu tím! Sân chim Vàm Hồ là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Bến Tre. Hôm nay tôi lại đứng trên đài quan sát ngắm nhìn báu vật ấy. Nó xơ xác, ngơ ngác như con chim tả tơi lông cánh sau trận bão quét...

Bảo tàng xanh của một vùng địa linh nhân kiệt

Hiếm nơi nào được thiên nhiên và lịch sử “trọng vọng” như Ba Tri: Có biển, rừng, đất ngọt, đất mặn... và là nơi yên nghỉ của danh sư muôn thế hệ Võ Trường Toản, thi hào Đồ Chiểu...

Sân chim Vàm Hồ trước miệng “bà Hỏa” ảnh 1

Rừng - cũng là sân chim Vàm Hồ – là điểm nhấn kỳ diệu của Ba Tri. Vị trí thủy, bộ thuận lợi, cách trung tâm huyện lỵ 30 phút xe ô tô. Sân chim rộng 42ha nhưng là bảo tàng xanh lưu trữ hàng trăm giống cây rừng, chim, thú... đặc trưng của vùng đầm nước một cửa sông giáp biển.

Rừng không lớn nhưng độ bao phủ khá dày. Trạm bảo vệ rừng cách đường lộ chỉ non 100m nhưng đứng trong trạm không thể thấy bóng xe chạy vì cây cao chắn tầm nhìn.

Ngoài tháp quan sát kiên cố ở bìa rừng do Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bến Tre xây dựng, sân chim Vàm Hồ có 2 chòi canh lửa. Tôi cũng nhiều lần leo lên các chòi canh này và rất thích thú vì nó ở sâu trong rừng, có thể ngắm biết bao nhiêu vẻ đẹp của rừng, biến đổi theo từng thời khắc trong ngày, thấy cả đám chồn, sóc lăng xăng, líu ríu và rắn trườn băng qua những đường mòn nhỏ.

Sự đầu tư bảo tồn, phát triển tính đa dạng của hệ sinh thái rừng dành cho Vàm Hồ không đáng kể, nhưng đây vẫn là “đất lành chim đậu”. Cho đến khi...

Cơn bão qua đây...

Ngay sau cơn bão số 9, tôi có về Vàm Hồ. Nhìn cảnh cây rừng ngã đổ đã đau lòng, bầy cò ngơ ngác bay lòng vòng muốn hụt hơi mà không dám đậu, xót xa, nhưng tôi không ngờ hơn 3 tháng sau cơn bão, rừng được “dọn dẹp” thì sự tan hoang lồ lộ ra mới thật là bi đát! Nhìn ngang bên trái, bên phải... trống trơ; từ Trạm bảo vệ rừng nhìn thẳng ra đường thấy xe chạy kìn kìn rõ mồn một; nhìn lên trời, những cánh chim thảng thốt rụt rè như chưa quen với cái trống huơ trống hoác của rừng; còn nhìn xuống đất? Hàng hàng cây rừng đã cưa thành củi chạy hút tầm mắt. Anh Nguyễn Trọng Duyên (ảnh) - tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cho biết: “Đó là những cây bị bão đốn ngã, tụi em được lệnh dọn dẹp cưa thành củi, nếu không làm vậy, cây khô sẽ làm mồi cho lửa”.

Vâng, cây ngã thì phải đưa ra khỏi rừng thôi, nhưng... nhiều quá! Nơi tôi từng đi giữa trưa không cần đội mũ nón nay nắng ngập trên từng gốc cây, đốt quăn từng bụi cỏ. 2 chòi canh lửa sập sau cơn bão chưa được dựng lại dù đội bảo vệ rừng đã báo cáo hơn một tháng qua. Anh Duyên nói: “Tỉnh giao rừng cho huyện quản lý, huyện giao rừng cho xã (Tân Mỹ) trông coi. Em lãnh lương của huyện nhưng báo cáo thì báo cáo cho xã. Nghe nói báo cáo đã chuyển về huyện rồi. Em cũng hổng biết chừng nào có nữa!”.

Chiều 1-4-2007, tôi gọi cho Duyên xem có “tin vui” chưa thì anh tiu nghỉu nói: “Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tuồng biểu làm một đề nghị hạng mục, kinh phí cần đầu tư phục vụ công tác bảo vệ rừng để xã xác nhận chuyển về trên cho lẹ và khách quan”. Anh cho hay đề nghị làm rồi, thứ hai (2-4) đem trình xã. Tôi hỏi “hạng mục” gồm những gì và “kinh phí” là bao nhiêu. Duyên thở ra: “Là làm lại 2 cái đài canh lửa bị sập hồi bão số 9. Tụi em tận dụng cây rừng, phần vật tư phải mua ít thôi và tiền công thợ, như vậy mỗi đài canh lửa khoảng 1 triệu. Với em đề nghị làm thêm 2 chốt bảo vệ trong rừng, mỗi chốt bằng cây tận dụng và lợp tôn cũng mất 2 triệu. Gộp lại khoảng 6 triệu đồng!”. Chỉ có 6 triệu đồng cho 2 đài canh lửa, 2 chốt bảo vệ rừng, vậy mà...

Nếu rừng cháy, thiệt hại thống kê sao cho vừa và những ai là người chịu trách nhiệm? Tôi không mong có ngày người ta phải ngồi kiểm điểm việc đã rồi. 

Bài, ảnh NGUYỄN THỊ KỲ

Tin cùng chuyên mục