TP Hồ Chí Minh: Rác thải y tế có thất thoát?

Bệnh viện chỉ có trách nhiệm thu gom
TP Hồ Chí Minh: Rác thải y tế có thất thoát?

Trong khi dư luận đang lo ngại việc một số bệnh viện (BV) ở Hà Nội đã bán rác y tế (RYT) cho dân buôn phế liệu tái sử dụng, thì các BV ở TPHCM lại cho rằng quy trình thu gom, phân loại RYT của mình khá bài bản. Tuy nhiên, hầu hết các BV ở TPHCM chỉ có trách nhiệm thu gom, phân loại và kiểm soát tập kết RYT về nhà rác, còn vận chuyện đi đâu, xử lý thế nào thuộc về cơ quan quản lý môi trường.

Bệnh viện chỉ có trách nhiệm thu gom

TP Hồ Chí Minh: Rác thải y tế có thất thoát? ảnh 1

Nhà rác y tế của BV Chấn thương chỉnh hình TP. Ảnh: Tg.L.

Được xếp vào hàng có số lượng bệnh nhân lớn nhất TP, BV Nhân dân Gia Định mỗi ngày thu gom gần 200 kg RYT bao gồm bơm kim tiêm, bông băng, ống truyền dịch, dao mỗ… Tính bình quân mỗi tháng BV thải ra trên 7.000kg RYT.

Trưởng phòng Điều dưỡng BV, bà Trần Thị Hồng Yến cho biết, BV chú trọng đến công tác thu gom, không để lẫn lộn giữa RYT và rác thải sinh hoạt nên BV có hai hệ thống thu gom rác riêng biệt.

RYT bình thường được đựng trong các túi màu vàng, còn các vật sắc nhọn như dao mổ, kim tiêm, ống truyền dịch được cho vào các thùng nhựa. Việc thu gom được kiểm soát chặt chẽ bởi phòng hành chính quản trị. Các bao, thùng chứa RYT đều có mã số và mỗi ngày được khoa Lâm sàng chuyển xuống nhà rác 2 lần.

Cũng theo bà Yến, vai trò của BV là đảm bảo công tác xử lý rác đầu nguồn, còn sau khi ra khỏi nhà rác thì trách nhiệm là của cơ quan quản lý môi trường. Hiện BV đã liên kết với Công ty Môi trường đô thị TPHCM để xe rác của công ty đến thu gom mỗi ngày.

Cũng là BV có lượng bệnh nhân điều trị lớn, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM thải ra trên 200kg RYT mỗi ngày, bao gồm băng bông, gạc, ống truyền dịch, bơm kim tiêm… Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên viên Phòng Hành chính quản trị, để giải quyết việc thu gom, vận chuyển RYT đúng tiêu chuẩn chống nhiễm khuẩn và lây lan bệnh, BV có hẳn một đội vệ sinh chịu trách nhiệm thu gom, phân loại rác. Tất cả các khoa trại hàng ngày đều phải phân loại rác ra làm 2 thứ là rác thải sinh hoạt và RYT, đựng vào các bọc xốp, thùng nhựa đúng quy định và đặt nơi thuận lợi để nhân viên vệ sinh thu gom và cho vào xe vận chuyển rác chuyên dụng đưa xuống bô rác BV.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, phụ trách đội vệ sinh, quy trình thu gom, phân loại rác đầu nguồn của BV là khép kín và giám sát chặt nên chưa phát hiện tình trạng tẩu tán RYT bán ra ngoài. Cũng theo ông Huệ, BV đã ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị TPHCM chịu trách nhiệm vận chuyển và xử lý rác. “Rác ra khỏi BV là BV hết trách nhiệm, còn nhân viên Công ty Môi trường đô thị chuyển đi đâu, tiêu hủy thế nào hay không tiêu hủy thì chúng tôi không biết được”, ông Huệ cho biết.

Trao đổi với báo SGGP hôm qua 29-8, lãnh đạo nhiều BV của TPHCM đều cho rằng quy trình thu gom, phân loại RYT của các BV là đúng quy trình của Bộ Y tế quy định. Mặt khác, các BV đều có hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị TPHCM chịu trách nhiệm vận chuyển RYT đến nơi xử lý tiêu hủy. Các BV cũng cho rằng trách nhiệm của BV là phân loại rác đầu nguồn, còn vận chuyển đi đâu và xử lý tiêu hủy thế nào là trách nhiệm của Công ty Môi trường đô thị TPHCM.

Rác thải y tế chưa được quản lý chặt chẽ

BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, cho biết TPHCM có số đơn vị y tế nhiều nhất so với các tỉnh thành khác của cả nước với khoảng 10 BV thuộc quản lý trực tiếp của Bộ Y tế và 30 BV từ hạng 1-2, 24 trung tâm y tế quận huyện, 25 BV tư nhân, 12.780 cơ sở khám chữa bệnh, phòng mạch tư thuộc quản lý của Sở Y tế.

Theo BS Nghiệm thì hiện bình quân mỗi ngày tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn TP thải ra khoảng 9 tấn RYT. Tất cả các đơn vị y tế thuộc quản lý của Sở Y tế đều được chỉ đạo ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị TPHCM để chuyên chở và xử lý RYT. Các BV phải tuân thủ quy trình phân loại rác và có nhà chứa rác đúng quy cách, có hệ thống lạnh để tránh tình trạng lây nhiễm bệnh trước khi cơ quan môi trường mang đi xử lý. Hàng năm Sở Y tế có 2 đợt kiểm tra tình trạng chống nhiễm khuẩn ở các BV, chú trọng đến RYT. Cũng theo ông Nghiệm thì Sở Y tế chưa có thông tin ghi nhận các BV bán RYT.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhân viên vệ sinh của các BV thì không phải tất cả RYT đều được thu gom và đưa về bô rác BV mà vẫn bị thất thoát ra ngoài. Một số người chuyên buôn bán ve chai cũng thừa nhận là thỉnh thoảng vẫn mua được một số chai lọ từ BV chuyền ra. Trong đó nhiều nhất là các loại chai nhựa đựng thuốc, dịch truyền… Một số chủ vựa ve chai ở Bình Tân, Tân Phú cũng cho biết thi thoảng vẫn thu gom được một số chai lọ, ống dịch truyền mà họ không biết xuất xứ từ đâu.

Cách đây không lâu, qua khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện tượng RYT bị phân tán ra ngoài mà không đem đi xử lý là có. Trong đó, Trung tâm Y tế dự phòng cảnh báo về tình trạng bơm kim tiêm không được thu gom, vận chuyển đúng quy cách và có tình trạng tái sử dụng.

Bên cạnh đó, RYT từ các phòng mạch tư cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện trung tâm y tế các quận huyện có bộ phận chuyên trách đi thu gom RYT tại các phòng mạch tập kết về bô rác trung tâm y tế. Nhưng bao nhiêu phần trăm RYT được tập kết về bô rác, còn bao nhiêu bị thất thoát ra ngoài thì không ai kiểm soát được.

Theo một nhân viên thu gom RYT từ các phòng mạch tư, nhiều khi đến các phòng mạch nhưng chẳng có gì thu gom mặc dù bệnh nhân đến phòng mạch khá đông. Lý do được đưa ra là nhân viên vệ sinh của các phòng mạch “tiện tay” bán cho người buôn ve chai qua đường.

Từ thực trạng RYT chưa được kiểm soát chặt chẽ, các bác sĩ đầu ngành tại TPHCM cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh là không lường trước được. BS Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết trong BV có đủ thứ bệnh, đặc biệt nguy cơ là các bệnh truyền nhiễm như HIV, siêu vi B, lao… Do đó việc tái chế hoặc sử dụng lại RYT sẽ là nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng rất cao.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục