Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM:

Rác y tế được xử lý đúng quy trình

Sau khi biết tình trạng xử lý rác y tế (RYT) ở các BV ở TPHCM, chúng tôi gặp người có trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN-MT) – ông Nguyễn Trung Việt – Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, để làm rõ thêm quy trình xử lý loại chất thải đặc biệt này ở TPHCM.

Sau khi biết tình trạng xử lý rác y tế (RYT) ở các BV ở TPHCM, chúng tôi gặp người có trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN-MT) – ông Nguyễn Trung Việt – Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, để làm rõ thêm quy trình xử lý loại chất thải đặc biệt này ở TPHCM.

- Thưa ông, hiện nay chất thải rắn y tế trên địa bàn TPHCM được quản lý như thế nào?

Ông NGUYỄN TRUNG VIỆT: Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn y tế trung bình của TPHCM là 7 - 9 tấn/ngày. BV là một trong những đối tượng thực hiện việc phân loại chất thải rắn tốt nhất. Theo đó, ngay từ khâu thu gom chất thải rắn từ các phòng, khoa chất thải rắn đã được phân làm 2 loại là tái sử dụng được và không tái sử dụng được. Phần tái sử dụng được sẽ do BV, trung tâm y tế ký kết hợp đồng bán cho đơn vị tái chế chất thải. Phần chất thải không tái sử dụng được hay còn gọi là chất thải nguy hại thì được chuyển đến kho chứa và ký kết hợp đồng thu gom với Công ty Môi trường đô thị TPHCM thu gom. Như vậy, Sở TN-MT chỉ chính thức quản lý loại chất thải này từ khâu thu gom tại kho chứa, sau đó vận chuyển đến lò đốt tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân để tiêu hủy.

- Làm thế nào để phân biệt RYT có thể tái chế được và không tái chế được? Và quy trình tái chế như thế nào thì đạt tiêu chuẩn yêu cầu?

Trong chất thải rắn y tế có nhiều loại có thể tái chế được. Cụ thể như vỏ thuốc bằng nhựa, lọ thủy tinh, túi ni lông… có thể tái chế sản xuất lại. Còn RYT bao gồm chất thải lâm sàng (kim tiêm, bông băng, bệnh phẩm), chất thải hóa học và chất thải phóng xạ… cần phải được tiêu hủy an toàn ở lò đốt có 2 cấp công suất. Trước hết đốt buồng đốt sơ cấp với nhiệt độ 600 – 800°C, sau đó chuyển sang buồng đốt thứ cấp với nhiệt độ 1.000 - 1.200°C. Các chất thải này sau khi tiêu hủy sẽ thành tro và được vận chuyển đến bãi chôn lấp an toàn. Ngoài ra, trong quá trình thu gom rác thải y tế, công ty còn thực hiện bước phun hóa chất khử trùng trước khi đưa vào lò đốt.

- Trong thời gian qua, xuất hiện hiện tượng nhiều BV bán RYT để tái chế thành đồ gia dụng. Vậy việc làm này có nguy hại cho cộng đồng?

Về quan điểm của sở, nếu chất thải nói chung được tái chế hoặc tái sử dụng càng nhiều thì càng tốt vì giảm được khối lượng cũng như chi phí xử lý rác thải. Còn trong RYT nói riêng thì có rất nhiều loại có thể tái chế, tái sử dụng. Và nếu phân loại đúng theo danh mục RYT tái chế, tái sử dụng được và không tái chế được cần tiêu hủy thì việc sử dụng những chất thải có thể tái chế, tái sử dụng được không nguy hại gì đến môi trường.

- Liệu ở TPHCM có xảy ra tình trạng RYT nguy hại được bán ra ngoài để tái chế đồ gia dụng?

Trường hợp thất thoát là khó tránh khỏi. Vì ngay từ phòng khám, RYT được phân loại. Còn phân loại như thế nào thì phụ thuộc vào kiến thức của nhân viên vệ sinh của các BV nên khó tránh được sai sót.

- Vậy để RYT nguy hại thất thoát ra môi trường thì trách nhiệm thuộc về ai?

Có thể nói, nếu để xảy ra tình trạng trên thì phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức, quản lý của ban giám đốc BV. Vì RYT từ ngay phòng khám khi vận chuyển về kho chứa tập trung đã được phân loại. Do đó, những loại RYT có thể tái chế được đã được nhân viên tại các BV lấy đi. Chỉ còn lại RYT không thể tái chế được thì Công ty Môi trường đô thị mới thu gom. Cách thức thu gom của công ty cũng được thực hiện rất chặt chẽ. Theo đó, rác thải được đóng thùng và vận chuyển thẳng đến lò đốt.

Ái Vân - Quang Trọng

Tin cùng chuyên mục